Luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp cơ sở không phải người địa phương: Cán bộ trưởng thành, nâng cao hiệu quả công việc
Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu, còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền. Tự phê bình và phê bình nhiều nơi mang tính hình thức; vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm. Khắc phục tình trạng này, những năm qua, tỉnh ta đã coi trọng công tác luân chuyển cán bộ, trong đó có luân chuyển cán bộ chủ chốt cấp cơ sở không phải người địa phương. Điều đó đã mang lại 'luồng gió mới', giúp cán bộ được luân chuyển trưởng thành nhanh; công việc được giải quyết hiệu quả, quyết liệt hơn.
Đồng chí Từ Quang Trưởng, Bí thư Đảng ủy xã Bạch Xa là một trong 6 bí thư đảng ủy cấp xã của huyện Hàm Yên hiện nay không phải người địa phương. Anh Trưởng được luân chuyển từ xã Minh Dân về làm Chủ tịch UBND xã Bạch Xa năm 2013, đến tháng 5-2017, anh giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã Bạch Xa. Là người xã Minh Dân, sau khi được luân chuyển lên công tác tại xã Bạch Xa, anh Trưởng đã phải nỗ lực rất nhiều để bắt kịp với công việc và môi trường mới. Anh bảo: “Trước đây, từ nhà lên trụ sở xã chỉ mất 5 phút. Nhưng khi được luân chuyển, ngày nào mình cũng phải đi xe máy cả đi cả về 30 km. Có khi cả tuần mới về thăm nhà 1 lần. Nhưng được làm việc trong môi trường mới, mình phải tìm hiểu nhiều hơn, tích lũy nhiều hơn nên cũng vỡ vạc ra nhiều điều”.
Là người dân tộc Kinh, trong khi Bạch Xa có tới 70% người dân tộc thiểu số. Đây cũng là nơi có 178 hộ dân công giáo. Anh Trưởng xác định muốn làm tốt nhiệm vụ được giao cần phải nắm chắc, am hiểu phong tục tập quán, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề đang bức xúc. Vì thế mà thời gian đầu, anh dành nhiều thời gian xuống thôn, một mình một xe, vừa đi vừa hỏi thăm. Gặp và trò chuyện với người dân, anh Trưởng nhận thấy những hạn chế trong công tác xét hỗ trợ cho người khuyết tật, công tác bình xét hộ nghèo, cải cách thủ tục hành chính. Anh đã chỉ đạo triển khai các giải pháp rà soát, bình xét hộ nghèo, người khuyết tật một cách chặt chẽ, khách quan, dân chủ. Anh cũng chỉ đạo và phân công cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận “một cửa” của xã cụ thể hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh hơn.
Đối với những thôn nảy sinh vấn đề phức tạp mà chưa kịp thời được giải quyết, anh Trưởng đã xuống dự họp thôn với nhân dân để cùng thôn bàn giải pháp tháo gỡ. Từ khi được luân chuyển về Bạch Xa, anh Trưởng đã cùng các đồng chí Thường trực đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển cây chè, cây ăn quả, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trước đây trên 70% nay chỉ còn 33,8%. Bạch Xa hiện có 125 ha chè, gần 200 ha cam, 30 ha chanh và các loại cây ăn quả khác.
Đồng chí Vương Quốc Vụ, Bí thư chi bộ thôn Làng Chang (Bạch Xa) cho biết, cán bộ đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương đã rất sâu sát với thôn, xử lý nhiều việc dứt khoát và quyết liệt. Do không phải là người địa phương nhưng lại phải nắm bắt rõ tình hình nên đòi hỏi cán bộ phải vất vả nhiều hơn.
Đến nay, huyện Hàm Yên đã luân chuyển 9 cán bộ chủ chốt cấp cơ sở là bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã không phải người địa phương. Đồng chí Nguyễn Duy Hòa, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Hàm Yên cho biết, những xã được lựa chọn để luân chuyển cán bộ chủ chốt không phải người địa phương là những xã còn khó khăn, chậm phát triển, có những vấn đề bức xúc, nổi cộm và những xã có thế mạnh trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng chưa được phát huy. Công tác luân chuyển đã góp phần phá thế cục bộ tại một số xã trước đây. Phần lớn cán bộ được luân chuyển phát huy tốt vai trò, trách nhiệm, sở trường, có phương pháp chỉ đạo, điều hành sâu sát và toàn diện hơn, góp phần ổn định nội bộ, đồng thời rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ tại chỗ.
Xã Bình Nhân (Chiêm Hóa) hiện có 2 cán bộ chủ chốt không phải người địa phương đó là đồng chí Triệu Văn Công, Chủ tịch UBND xã và đồng chí Mai Đình Thư, Phó Chủ tịch UBND xã. Trước đây, anh Công là Bí thư Đảng ủy xã Nhân Lý, còn anh Thư là Bí thư Đoàn xã Kim Bình. Ngày nào, anh Công cũng đi 2 chuyến đò qua sông để sang Bình Nhân làm việc, còn anh Thư phải vượt chặng đường gần 30km cả đi và về. Vất vả là vậy, song các anh luôn coi đây là điều kiện để bản thân rèn luyện và trưởng thành. Các anh dành nhiều thời gian tìm hiểu lợi thế và khó khăn của xã rồi xây dựng kế hoạch công tác của bản thân. Nhất là đối với những vụ việc bức xúc chưa được giải quyết dứt điểm, các anh đã dành thời gian tìm hiểu cặn kẽ để từng bước tham mưu với cấp ủy chỉ đạo tháo gỡ cho người dân, nhất là lĩnh vực đất đai. Bản thân anh Thư nhiều năm liền theo dõi sát sao các thôn trước đây vi phạm về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng để tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng. Đến nay, Bình Nhân không còn các vụ việc phá rừng xảy ra.
Thời gian qua, huyện Chiêm Hóa đã luân chuyển 17 cán bộ không phải là người địa phương làm bí thư, phó bí thư thường trực đảng ủy, chủ tịch, phó chủ tịch UBND xã, phó chủ tịch UBND xã. Đồng chí Ma Phúc Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa cho biết: “Các xã có cán bộ chủ chốt luân chuyển không phải người địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực, toàn diện. Nhiều nơi đã có những dấu ấn của cán bộ không phải người địa phương, đó là những cách làm sáng tạo, những mô hình hay giúp đời sống người dân khởi sắc. Tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, công chức tại chỗ có nhiều đổi mới theo hướng khoa học, phục vụ nhân dân tốt hơn. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục thực hiện luân chuyển”.
Theo số liệu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, đến nay, toàn tỉnh đã bố trí 85 chức danh cán bộ các cấp không phải là người địa phương, trong đó cấp cơ sở là 48 người. Qua thực tế tìm hiểu cho thấy, cán bộ chủ chốt cơ sở được luân chuyển không phải người địa phương đã nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên, nhân dân. Với phương pháp chỉ đạo và điều hành không nể nang, né tránh, họ đã giải quyết được nhiều hạn chế của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tuy nhiên, tỉnh, huyện cần có giải pháp quan tâm hơn nữa đến điều kiện ăn ở của cán bộ không phải người địa phương được luân chuyển để họ yên tâm cống hiến.
Công tác chuẩn bị nhân sự tại chỗ kết hợp với điều động, luân chuyển, bố trí cán bộ từ nơi khác đến là yêu cầu được đặt ra trong Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Kết quả trên chính là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục thực hiện luân chuyển, bố trí cán bộ chủ chốt không phải người địa phương.