Luân chuyển cán bộ - khâu quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng
Luân chuyển cán bộ là chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị. Từ đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt với những nhiệm vụ, giải pháp và cách làm phù hợp.
• VAI TRÒ CỦA CÔNG TÁC LUÂN CHUYỂN CÁN BỘ
Sinh thời, khi đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn nhấn mạnh, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”. Trong công tác cán bộ thì luân chuyển có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Vấn đề luân chuyển cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đã được Đảng ta nhấn mạnh từ năm 2002, với Nghị quyết số 11, ngày 25/1/2002, của Bộ Chính trị về việc “Luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý”. Chủ trương này tiếp tục được nêu tại Quy định số 98, ngày 7/10/2017, của Bộ Chính trị về “Luân chuyển cán bộ” và các nghị quyết về công tác cán bộ trong các nhiệm kỳ của Đảng. Và mới đây nhất, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 65, ngày 28/4/2022 về “Luân chuyển cán bộ”, thay thế Quy định số 98 trước đó.
Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 06, ngày 26/4/2018 về luân chuyển cán bộ; Quy định số 08, ngày 23/5/2019 quy định về chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức, sỹ quan khi được điều động, luân chuyển, biệt phái để thống nhất triển khai thực hiện. Qua đó, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa thành quy định cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn, nhưng không được trái với quy định của Trung ương, của tỉnh.
• NHIỀU KẾT QUẢ TÍCH CỰC
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ tháng 10/2017 đến nay, toàn tỉnh có 7 đồng chí được luân chuyển từ tỉnh xuống huyện, thành phố; 1 đồng chí được luân chuyển từ huyện lên tỉnh; 91 đồng chí được luân chuyển từ huyện, thành phố xuống xã, phường, thị trấn; 32 đồng chí được luân chuyển từ xã, phường, thị trấn lên huyện; 7 đồng chí được luân chuyển từ xã, phường, thị trấn này luân chuyển sang xã, phường, thị trấn khác. Về kết quả phân công, bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển, thực hiện Quy định số 98, đến nay việc luân chuyển cán bộ các cấp của tỉnh thực hiện được 119 đồng chí; trong đó cán bộ luân chuyển dưới 36 tháng là 31 đồng chí; từ 36 đến 60 tháng là 88 đồng chí.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Lâm Hà chia sẻ: “Là cán bộ được luân chuyển từ tỉnh về huyện để đào tạo, rèn luyện nên bản thân tôi luôn phải nỗ lực rất nhiều trong mọi hoàn cảnh, công việc. Qua quá trình công tác ở cơ sở, tôi đã hiểu biết nhiều hơn về các lĩnh vực của địa phương, có nhiều kiến thức và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và xử lý các vụ việc phức tạp, nổi cộm trên địa bàn. Bản thân cũng dần quyết đoán hơn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và luôn ý thức phải gương mẫu với trách nhiệm là người đứng đầu địa phương”.
Theo đánh giá của đồng chí Trần Đình Văn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đa số cán bộ luân chuyển có nhận thức đúng đắn, phát huy tốt tinh thần trách nhiệm, bám sát cơ sở, không ngại khó khăn; có phương pháp lãnh đạo quản lý toàn diện hơn, gương mẫu, an tâm công tác, vượt qua khó khăn, tiếp cận nhanh với môi trường làm việc mới. Các cán bộ được luân chuyển cũng phát huy tốt năng lực, sở trường, rèn luyện trưởng thành về tư duy, phong cách và bản lĩnh, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn; được đảng viên và Nhân dân địa phương đồng tình, tín nhiệm. Nhiều cán bộ có tư duy, phong cách lãnh đạo, làm việc khoa học, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
• BÀI HỌC KINH NGHIỆM RÚT RA
Trong quá trình triển khai thực hiện công tác luân chuyển cán bộ, Tỉnh ủy Lâm Đồng cũng đã rút ra các bài học kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả thời gian tới. Trong đó có các nội dung như, các cấp ủy đảng thường xuyên tổ chức tốt việc quán triệt các quy định của Đảng về công tác luân chuyển cán bộ, tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể luân chuyển cán bộ cho nhiệm kỳ, từng giai đoạn và triển khai thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, công tác luân chuyển cán bộ phải đặt dưới sự lãnh đạo thường xuyên, trực tiếp, toàn diện của cấp ủy, tổ chức Đảng, thực hiện tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với ổn định, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên sâu; vừa coi trọng đáp ứng nhiệm vụ công tác, vừa coi trọng mục đích bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ và chuẩn bị đội ngũ kế cận. Luân chuyển phải gắn với quy hoạch để đào tạo, rèn luyện, tạo điều kiện để cán bộ nâng cao trình độ, năng lực, khả năng công tác, đáp ứng đầy đủ hơn yêu cầu đối với vị trí, chức danh quy hoạch.
Bên cạnh đó, quá trình luân chuyển cán bộ phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng, mở rộng dân chủ và có bước đi thích hợp; đồng thời phải đặc biệt chú ý việc quản lý, giám sát, quan tâm, tạo điều kiện đối với cán bộ luân chuyển. Trong thời gian cán bộ luân chuyển về địa phương, cấp ủy phải thường xuyên kiểm tra, theo dõi và giúp đỡ để cán bộ kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, khuyết điểm và có những tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ trong và sau luân chuyển. Việc luân chuyển cán bộ phải đảm bảo sự đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, cán bộ địa phương và cán bộ ở các đơn vị được luân chuyển về...
Ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các cán bộ được luân chuyển, điều động trong thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Quận khẳng định: Nhiều đồng chí qua thực tiễn công việc đã phát huy năng lực, vai trò nêu gương; thể hiện quyết tâm chính trị cao, chủ động, tích cực tìm tòi, học hỏi, cùng tập thể cấp ủy, lãnh đạo địa phương tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tốt quy chế làm việc, các nguyên tắc, quy định của Đảng. Từ đó, tạo sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy, ban thường vụ và trong đảng bộ, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đánh giá cao.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Trần Đức Quận cũng yêu cầu thời gian tới, các đồng chí cán bộ luân chuyển, điều động cần bám sát quy chế làm việc, các nguyên tắc, quy trình, quy định của Đảng để tổ chức thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo đạt kết quả cao nhất. Cùng với đó là phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong ban thường vụ, ban chấp hành, trong toàn đảng bộ và sự đồng thuận trong Nhân dân. Từng đồng chí phải quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương, của Tỉnh ủy về trách nhiệm nêu gương đối với cán bộ, đảng viên; phải thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự soi rọi lại bản thân, xứng đáng là hình ảnh gương mẫu đại diện cho tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị, xem đây là việc làm tự giác, thường xuyên.
Bên cạnh đó, các đồng chí cán bộ được luân chuyển, điều động cần chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ có năng lực, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, đảm bảo cán bộ có đủ phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Sắp xếp, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, phát huy được năng lực, sở trường, kinh nghiệm công tác của cán bộ; đồng thời thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ để cán bộ trưởng thành...
Đồng chí Đinh Văn Tuấn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Di Linh:
Là cán bộ được luân chuyển từ tỉnh xuống huyện nên công tác nắm bắt các chủ trương từ tỉnh cũng có nhiều thuận lợi. Sự phối hợp với các sở, ban, ngành cũng nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ kịp thời. Trong việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ, bản thân tôi luôn công tâm khách quan, không bị ảnh hưởng bởi sự chi phối, tình trạng nể nang né tránh.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân tôi đã chú trọng, nghiên cứu, tìm hiểu thực tế của địa phương và chủ động xây dựng mối đoàn kết trong cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể; tích cực đến địa bàn dân cư để nắm tâm tư của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Đồng thời, tích cực tham dự các cuộc họp thường lệ của các chi bộ để định hướng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các chi bộ lãnh đạo có hiệu quả các nhiệm vụ, phong trào.
Đồng chí Phan Đức Thái - Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh:
Thực hiện Quyết định 388-QĐ/TU ngày 09/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ, nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Huyện ủy Đạ Tẻh, nhiệm kỳ 2020 - 2025, bản thân tôi rất vinh dự và tự hào được đào tạo, rèn luyện trong môi trường mới. Ngay sau khi được luân chuyển về Đạ Tẻh đảm nhận nhiệm vụ Phó Bí thư Huyện ủy, tôi đã tập trung nghiên cứu các nghị quyết, quy định, quy chế làm việc của Đảng, của Ban Thường vụ Huyện ủy Đạ Tẻh nhằm nhanh chóng tiếp cận công việc, kịp thời có các ý kiến lãnh chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đẩy mạnh đổi mới hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp của huyện, chú trọng vào sản phẩm, mô hình cụ thể, có giá trị thụ hưởng rộng rãi, lâu dài; phát huy hơn nữa vai trò của Nhân dân trong tham gia các hoạt động của địa phương trên tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bản thân tích cực tham gia sinh hoạt chi bộ ở khu dân cư, qua đó thăm nắm được tình hình hoạt động của đảng viên ở cơ sở, những điểm sáng, những khó khăn, vướng mắc. Từ đó để kịp thời đề xuất với Ban Thường vụ Huyện ủy các nội dung để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, công tác kết nạp đảng viên mới, nhất là địa bàn nông thôn. Bản thân thường xuyên tự rà soát, đánh giá lại kết quả chỉ đạo, phong cách sống trên tinh thần cầu thị, lắng nghe, gần gũi, vì Đảng, vì Nhân dân để tiến bộ và phục vụ tốt hơn trong công việc.