Luân chuyển cán bộ ở Yên Lập: Một giải pháp nhiều mục tiêu
PTĐT - Xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về làm lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở là một trong những giải pháp trọng tâm của công tác cán bộ,...
PTĐT - Xác định công tác điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là luân chuyển cán bộ từ cấp huyện về làm lãnh đạo chủ chốt ở cơ sở là một trong những giải pháp trọng tâm của công tác cán bộ, nhằm tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ, năng lực công tác, nhiều năm qua, việc này đã được huyện Yên Lập quan tâm, tích cực triển khai. Ở cương vị mới, các cán bộ cơ bản phát huy được năng lực, sở trường, đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Là huyện miền núi, có 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, Yên Lập có nhiều chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng; tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ CB-CCVC nhiệt tình, năng động. Có được kết quả trên, huyện đặc biệt quan tâm về công tác cán bộ, luôn nhận thức “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Trong suốt những năm qua, huyện luôn cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn đời sống, đặc biệt là những quy định liên quan đến luân chuyển cán bộ. Là một trong những địa phương tiên phong chủ động thực hiện, từ đầu năm 2003, huyện đã đưa 3 cán bộ về cơ sở nhận nhiệm vụ. Qua đánh giá từng thời kỳ cho thấy, công tác luân chuyển cán bộ đã phát huy vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội ở từng địa phương, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Do vậy, từ đó cho đến nay, công tác điều động, luân chuyển được huyện tập trung triển khai quyết liệt. Trên cơ sở rà soát đánh giá đội ngũ cán bộ và xin ý kiến của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ, Ban Thường vụ Huyện ủy Yên Lập đã ban hành Kế hoạch cụ thể trong việc luân chuyển cán bộ tăng cường cho cơ sở để đạt được mục đích, yêu cầu đề ra, đồng thời đảm bảo phương châm, nguyên tắc trong luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý. Kế hoạch luân chuyển cán bộ đã được tiến hành thận trọng, có trọng tâm, trọng điểm, không làm tràn lan; giải quyết tốt mối quan hệ giữa luân chuyển với yêu cầu đảm bảo ổn định của cơ quan, đơn vị có cán bộ luân chuyển đi và đến; đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ và nguồn cán bộ kế cận... Trước khi luân chuyển, Ban Thường vụ Huyện ủy luôn coi trọng công tác tư tưởng, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên thông suốt, tự giác quyết tâm thực hiện quyết định điều động, luân chuyển của tổ chức; tránh tư tưởng luân chuyển vì mục đích cá nhân để được đề bạt lên chức vụ cao hơn hoặc tránh tình trạng “chạy luân chuyển” do ngại khó, ngại khổ. Cùng với đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên theo dõi, giúp đỡ cán bộ được luân chuyển để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nhằm giải quyết, tháo gỡ kịp thời. Đồng chí Hoàng Thế Cường- Phó Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy cho biết: Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020, huyện đã thực hiện luân chuyển 2 vị trí cán bộ của huyện, từ Chánh văn phòng về làm Bí thư Đảng ủy xã Minh Hòa; Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng chính trị về làm Chủ tịch UBND xã Đồng Thịnh. Sau năm 2015 cho đến nay, huyện tiếp tục luân chuyển 4 vị trí cán bộ, từ Phó Ban Tổ chức Huyện ủy về làm Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lương; Trưởng Phòng Tài nguyên môi trường kiêm Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy; Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị về làm Bí thư Đảng ủy xã Minh Hòa; Phó Chánh Văn phòng UBND huyện về làm Chủ tịch UBND thị trấn... Nhìn chung, cán bộ được luân chuyển đã phát huy vai trò trách nhiệm, năng lực công tác, tiếp cận nhanh với nhiệm vụ mới; có sự chủ động, linh hoạt sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các phong trào ở địa phương, tạo ra những chuyển biến tích cực. Đặc biệt, trong từng giai đoạn luân chuyển, cán bộ điều động, luân chuyển từ huyện về xã được giữ nguyên biên chế tại cơ quan của huyện, đồng thời giữ nguyên mức lương và phụ cấp hiện hưởng nếu mức lương của chức vụ luân chuyển thấp hơn mức lương và phụ cấp của chức vụ trước khi luân chuyển.Từ năm 2018, khi đang là Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn được điều động kiêm thêm vị trí Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thủy để giải quyết bài toán khó về xây dựng Nông thôn mới của địa phương. Đây là xã có địa bàn rộng, xa trung tâm huyện, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm gần 90%, đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu làm nông lâm nghiệp. Bản thân đồng chí Tuấn không phải người địa phương, vì vậy, sẽ là một trong những khó khăn, thử thách đối với một cán bộ trẻ phải đảm nhận chức vụ 2 vai. Ngay sau khi kiện toàn Ban Thường vụ Đảng ủy, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc của Đảng bộ, đồng chí Tuấn cùng với tập thể Đảng ủy đã lựa chọn, đưa ra các mục tiêu trọng tâm cần phải làm ngay, đó là: Tiếp tục xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân và huy động các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, đồng chí đã cùng Ban Thường vụ Đảng ủy ban hành các văn bản chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho từng bộ phận cụ thể hóa các chỉ tiêu, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển một số ngành nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải phóng mặt bằng... Đồng chí Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ: “Về cơ sở làm nhiệm vụ mới với quy mô nhỏ hơn nhưng khối lượng công việc lớn hơn và thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Thực tế, để đáp ứng với nhiệm vụ mới, buộc mình phải nghiên cứu, tìm tòi, trau dồi kiến thức và tư duy nhiều hơn. Mặc dù mọi công việc đều có sự bàn bạc thống nhất trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ nhưng với vai trò là Bí thư Đảng ủy, tôi phải thể hiện rõ vai trò. Muốn vậy, ngoài việc tập trung nghiên cứu tài liệu, tôi thường xuyên gặp gỡ trao đổi với cán bộ cơ sở, trực tiếp đối thoại với nhân dân để nắm bắt tình hình; vận dụng tốt cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế”. Chuyển biến rõ nét nhất ở Xuân Thủy đó là xã đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới các tiêu chí về đích sớm hơn 1 năm so kế hoạch đề ra. Diện mạo của xã đã thay đổi, đời sống người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua hằng năm, đến nay còn 7,11%.Khi đang là Phó Chánh Văn phòng UBND huyện, đầu tháng 1 năm 2020 đồng chí Đinh Thế Anh được luân chuyển về làm Chủ tịch UBND thị trấn Yên Lập. Vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu do tuổi đời còn trẻ, chưa có kinh nghiệm trong lãnh đạo các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng được sự quan tâm của Huyện ủy, sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên, đồng chí Anh đã nhanh chóng thích nghi với nhiệm vụ mới. Sau khi kiện toàn bộ máy cán bộ, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận, từng người, đồng chí cùng lãnh đạo địa phương bắt tay ngay vào việc lãnh đạo, chỉ đạo phấn đấu hoàn thành và hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm cuối của nhiệm kỳ 2015-2020. Bằng sự mềm mỏng, khéo léo trong công tác vận động, tuyên truyền, đồng chí đã cùng các đoàn thể hoàn thành chỉ đạo gieo cấy trên 70% diện tích lúa chất lượng cao J02 trên các cánh đồng đã được dồn đổi, nhằm tăng hiệu quả giá trị/ha canh tác; kiện toàn cán bộ khu dân cư và đang chỉ đạo phấn đấu hoàn thành đại hội chi bộ trong tháng 3; tập trung chỉ đạo huy động các nguồn lực để xây dựng trường THCS thị trấn 1 đạt chuẩn Quốc gia vào cuối năm 2020; đảm bảo giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương...Đánh giá về công tác luân chuyển, điều động, bố trí cán bộ, đồng chí Bùi Hồng Hoàng-Phó Bí thư Huyện ủy Yên Lập cho biết: “Thành công trong công tác luân chuyển cán bộ của huyện đó là đã tạo được động lực mới cho sự phát triển ở các địa phương. Điều này được thể hiện rõ ở các mặt như: Thay đổi được tư duy, phương pháp làm việc, kỷ luật lao động được giữ vững. Tổ chức thực hiện nhiệm vụ ở Đảng bộ các xã; tạo không khí làm việc dân chủ, cởi mở, khơi dậy được sức dân để đóng góp vào sự phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương... Những xã sau khi có cán bộ luân chuyển đã có chuyển biến tích cực, trở thành những địa phương dẫn đầu huyện. Công tác luân chuyển đã tạo được sự đồng thuận, nhất trí cao và nâng cao nhận thức về công tác cán bộ trong đội ngũ cán bộ, công chức của huyện. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, điều động cán bộ về những xã kém phát triển, đồng thời đưa những cán bộ ở xã có triển vọng về huyện, tiếp tục đào tạo để giữ trọng trách cao hơn”.