Luân chuyển giáo viên về xuôi - Muộn nhưng đáng mừng
* "Đoạn trường ai có qua mới hiểu"
Dù sự việc đã qua đi hơn 2 năm, thế nhưng nhắc lại câu chuyện chuyển trường của mình, thầy "H" (đề nghị giấu tên), hiện đang dạy ở một trường THPT của huyện Sơn Tịnh, vẫn còn lắc đầu, lè lưỡi.
Sau gần 6 năm "ăn đậu, ở nhờ" để dạy học tại một trường miền núi cách nhà hơn 70km, do cha mẹ hay đau yếu, còn anh chị em lại ở xa... nên thầy "H" xin chuyển về dạy tại huyện nhà. Thế nhưng phải gần 2 năm sau, với hàng trăm lần đi lại rồi nhờ "tác động" tốn không biết bao công sức, tiền bạc mới được chuyển về.
Trường hợp trên còn rất may mắn vì không ít người mất gần 3-4 năm mới chuyển được. Vì vậy mới hiểu vì sao số giáo viên được chuyển trong đợt vừa qua, đến bây giờ vẫn chưa hết niềm vui. Nhiều người còn bày tỏ sự bất ngờ vì được chuyển về một cách dễ dàng đến như vậy. Nó gần như trái ngược lại hoàn toàn với những gian truân, nhiêu khê, khổ ải... mà họ đã nghe và chứng kiến trước đó. Nghĩ làm cho vui, chứ không hi vọng gì sẽ được, bởi lẻ nhiều người đi mòn cả dép, tốn tiền bạc, nhờ vả còn chưa được nữa là, một giáo viên, không giấu diếm.
* Nỗ lực đáng ghi nhận
Có thể ở các tỉnh thành khác thì việc Sở GD-ĐT chủ động luân chuyển giáo viên từ miền núi về đồng bằng đã thực hiện từ lâu. Thế nhưng với Quảng Ngãi thì đây là chuyện mới, mà nhiều người còn gọi là một sự "đột phá". Bởi lẻ từ nhiều chục năm qua, khi đủ thời gian công tác theo quy định, đối với nam là 5 năm, nữ là 3 năm, giáo viên nào có nhu cầu chuyển về thì phải tự mình đi gõ cửa để thuyết phục trường đang dạy cho đi và trường sẽ về đồng ý nhận.
Còn sở chỉ làm mỗi một việc là kí quyết định đồng ý, chứ không chủ động thông báo, nhận đơn, xét, rồi đưa về như đợt rồi. Một số người còn so sánh: Lãnh đạo sở chỉ cần 10 phút để kí 45 quyết định trên. Thế nhưng để làm được việc đó, phải chờ đến 36 năm.
Ông Nguyễn Cửu Cần- Trưởng phòng Tổ chức- Sở GD-ĐT tỉnh, bày tỏ: Sở cũng đã biết và thấy sự nhiêu khê, tốn kém khi giáo viên muốn chuyển trường, nhất là từ miền núi về xuôi. Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên đến năm học rồi mới thực hiện được, dù hơi chậm. Theo đó vào khoảng giữa kì 2, của năm học, Sở GD-ĐT ra văn bản gửi đến các trường thông báo cho những giáo viên có nhu cầu xin chuyển làm đơn gửi về Sở. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng hàng năm của mỗi trường gửi lên, sở sẽ điều động số giáo viên trên, rồi sau đó nếu thiếu mới cho tuyển dụng mới.
Ông Thái Văn Đồng- Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh, tâm sự: Dù đã rất cố gắng, thế nhưng do liên quan đến nhiều vấn đề khác, nên mới làm được được "một nửa", đó là chuyển số từ miền núi, hải đảo về, và giữa các trường ở đồng bằng với nhau; còn luân chuyển ngược lại từ đồng bằng lên miền núi thì vẫn chưa thể.
Riêng với các bậc THCS, tiểu học và mầm non, do quy định phân cấp quản lí, cho nên việc luân chuyển thuộc quyền của UBND và phòng giáo dục của huyện, vì vậy Sở không can thiệp được, mà chỉ hướng dẫn thực hiện mà thôi.