Luận cờ trên Lang Biang

Lần đầu tiên một giải cờ úp qui tụ rất nhiều những danh thủ từ khắp nơi trong nước về 'luận cờ' được tổ chức tại Đà Lạt trong tháng 10 vừa qua.

Các kỳ thủ tranh tài tại giải

Các kỳ thủ tranh tài tại giải

Những danh thủ

“Thỉnh thoảng tôi cũng có lên Đà Lạt, lên chơi chứ không phải lên đánh cờ”- kỳ thủ Trềnh A Sáng tươi cười.

Nói đến người chơi cờ tướng, nếu ai biết chút ít về các giải đấu trong nước thì cái tên Trềnh A Sáng không phải là xa lạ. Kỳ thủ cờ tướng 57 tuổi, người TP Hồ Chí Minh này vào hàng “danh trấn giang hồ”, từng 7 lần vô địch cờ tướng quốc gia, lần gần đây nhất là vào năm 2016, cách đây 3 năm.

Nhưng không dừng lại ở các giải trong nước, danh thủ Trềnh A Sáng còn đại diện cho cờ tướng Việt Nam thi đấu khắp mọi nơi, từ Trung Quốc, Hồng Kông, các nước châu Âu, rất nhiều giải danh tiếng thế giới ông đã có mặt, từng giành huy chương đồng thế giới trong đánh đồng đội.

Bí quyết giỏi cờ của ông là gì, “Có chút năng khiếu cờ, đam mê, chịu khó học hỏi, biết người biết ta, trăm trận trăm hòa trước đã” - ông Sáng giải thích rằng khi đánh cờ đừng cố mong thắng người, cứ nỗ lực cầm hòa trước rồi mới tính chuyện thắng sau đó.

Một danh thủ khác vào đình đám của làng cờ Việt Nam cũng có mặt tại giải Đà Lạt lần này là kỳ thủ Trần Hữu Bình.

Năm nay 44 tuổi, người ở thành phố Thanh Hóa, danh cờ Trần Hữu Bình từng “chinh chiến” khắp các giải cờ lớn trong nước, từng thi đấu ở nước ngoài, từng biểu diễn cờ úp trên Đài Truyền hình VTC. Gần đây nhất, ông giành huy chương đồng, đứng thứ 3 toàn quốc cờ tướng năm ngoái.

Còn rất nhiều những danh thủ khác từ khắp nơi trong nước cũng tụ hội về đây, có người từ Hà Nội, Bắc Ninh, đến Quảng Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đăk Lăk, Tiền Giang, Tây Ninh… Tổng cộng có 40 tay cờ cùng tranh tài.

Tất nhiên các kỳ thủ chủ nhà Lâm Đồng cũng có mặt trong số VĐV trên, dù không nhiều, vì phải là người có “tiếng tăm” mới đánh được giải này, nổi bật trong đó là tay cờ Bùi Chu Nhật Triều.

Là một bác tài chạy xe đường dài nhưng kỳ thủ Nhật Triều (40 tuổi) còn rất nổi tiếng về cờ, từng 3 lần vô địch tỉnh Lâm Đồng. Chính anh, bằng sự quen biết và uy tín của mình trong những lần ngao du đi đánh cờ nhiều nơi, đã mời được các danh thủ nổi tiếng trong nước về đây “luận cờ”. “Đây là giải cờ úp lớn nhất Việt Nam cho đến nay mà Đà Lạt vinh dự đứng ra tổ chức khi có mặt mọi người từ khắp nơi về đây” - anh Triều vui vẻ.

3 kỳ thủ dẫn đầu tại giải cờ úp Đà Lạt mở rộng 2019

3 kỳ thủ dẫn đầu tại giải cờ úp Đà Lạt mở rộng 2019

Luận cờ

Như một câu khẩu hiệu của giải nói rằng mời các danh thủ từ mọi nơi trong nước đến Đà Lạt “luận cờ trên đỉnh Lang Biang”.

Và thật ra cũng đâu cần leo lên tận đỉnh Lang Biang tại thị trấn Lạc Dương mây mù bảng lảng mùa này để đấu cờ mà thay vào đó mọi người đã cùng gặp nhau trong một hội quán sực nức hương thơm của thức ăn. Đó là quán hủ tíu Nam Vang có tên rất “cờ”: Gia Cát Đại Hồng Môn.

Chủ quán, anh Hà Vĩnh Bình, còn khá trẻ nhưng là một người đam mê cờ tướng thứ thiệt. Lâu nay dù bận rộn làm ăn nhưng anh vẫn muốn phát triển môn cờ úp, muốn tổ chức một giải cờ úp lớn tại Đà Lạt. Chính vì vậy anh là một trong những người đứng ra tài trợ cho giải, chiếc cúp cho nhà vô địch năm nay được mang tên “Đại Hồng Môn 2019” - tên quán hủ tíu của anh.

Anh Bình suy nghĩ: “Lâu nay Đà Lạt cũng có các giải cờ úp do các hội quán cờ tổ chức nhưng giải không lớn, chủ yếu loanh quanh nội bộ Đà Lạt. Là địa phương có môn cờ tướng phát triển, thế sao mình không tổ chức tại Đà Lạt”.

Cờ úp được coi là một biến thể của cờ tướng với rất nhiều điểm thú vị cho người chơi, do các quân cờ úp xuống và sắp vào các vị trí một cách ngẫu nhiên chỉ trừ quân tướng của hai bên, nên như danh thủ Trềnh A Sáng - TP HCM nhận xét, mang tính may rủi rất cao. May thì lật lên đúng quân cờ mình cần, rủi thì một quân cờ vô hại, tính may rủi này như kỳ thủ A Sáng cho biết, chiếm đến 40%, phần còn lại 60% là do tài cao thấp, đẳng cấp của người cầm cờ. Chính vì vậy, những người dù không đồng đẳng cấp với người đối diện vẫn có cơ hội thắng ván cờ.

Theo kỳ thủ Trần Hữu Bình, mặc dù giải đứng ra hỗ trợ tiền phòng ở cho nhiều người, hỗ trợ tiền đi lại, giải thưởng cũng rất cao, người vô địch được thưởng đến 20 triệu đồng nên cũng khuyến khích các tay cờ có động lực đăng ký thi đấu. Tuy nhiên, đây là giải cờ úp, rất “hên xui” nên rất khó lấy giải.

Quả nhiên, sau 2 ngày thi đấu, giải nhất và cúp vô địch không đến tay các đại danh thủ mà lại về tay cờ Dương Đình Quang của làng cờ Kinh Bắc, giải nhì thuộc về tay cờ Nguyễn Tấn Phát của Tiền Giang, còn kỳ thủ Trần Hữu Bình chỉ giành được hạng ba của giải.

Nhưng với ông Trềnh A Sáng hay ông Trần Hữu Bình, được tham dự giải cờ Đà Lạt lần này chính là niềm vui, vui vì được gặp gỡ và đấu cờ với rất nhiều người nổi tiếng cờ trong nước. Như kỳ thủ Trần Hữu Bình nhận xét, giải tổ chức lần đầu nên vẫn còn có những sơ suất nhỏ như Ban tổ chức chưa thống nhất được luật thi đấu cờ úp khiến các kỳ thủ còn lúng túng về cách chơi lúc đầu, việc vận hành giải vẫn còn chưa suôn sẻ nên ông hy vọng nếu được tổ chức lần thứ 2 tại Đà Lạt thì rút kinh nghiệm giải sẽ làm tốt hơn.

Theo nhà tài trợ Hà Vĩnh Bình, thành công của giải cờ năm nay là một động viên khích lệ để anh cùng các nhà tài trợ tại Đà Lạt vận động để năm đến sẽ tiếp tục tổ chức giải cờ này lần thứ 2 tại Đà Lạt và anh hy vọng biến giải này thành một giải truyền thống để những người yêu cờ tướng trong nước có dịp gặp nhau hằng năm tại thành phố hoa Đà Lạt.

VIẾT TRỌNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/thethao/201910/luan-co-tren-lang-biang-2970225/