Luận tội Tổng thống Mỹ tiếp tục: 'Sốc', 'không biết gì', tán thưởng xen lẫn tấn công cá nhân

Ngày điều trần công khai thứ ba trong điều tra luận tội Tổng thống Mỹ có nhiều tình tiết mới.

Hôm thứ ba (19/11), các quan chức tham gia điều trần trước Quốc hội Mỹ cho hay, họ rất lo ngại trước những nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm ép Ukraine tiến hành đối thủ chính trị Joe Biden. Thậm chí có người còn tỏ ra bị "sốc".

Trong ngày điều trần công khai thứ ba tại Hạ viện, lần đầu tiên các nhân viên Nhà Trắng đã nói lên những suy nghĩ của mình về chiến dịch gây sức ép giờ đây đang đe dọa tới sự nghiệp Tổng thống của ông Trump.

Xuất hiện trong bộ quân phục, Trung tá Alex Vindman nói, ông Trump đã đưa ra một yêu cầu "không phù hợp" cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc điện đàm ngày 25/7.

"Nói thật, tôi không thể tin vào những gì mình đã nghe. Có lẽ còn có cả yếu tố sốc nữa, nỗi lo sợ tồi tệ nhất của tôi về việc chính sách Ukraine của chúng ta diễn biến như thế nào thì nó đã xảy ra như thế", ông Vindman cho biết.

Hai cố vấn cấp cao khác của Nhà Trắng là bà Jennifer Williams và ông Tim Morrison cũng tuyên bố, họ lo ngại về bản chất của cuộc điện đàm gây tranh cãi giữa hai Tổng thống Mỹ và Ukraine.

Theo bà Williams, cuộc điện đàm của ông Trump là bất thường và không phù hợp bởi vì "nó liên quan tới các cuộc thảo luận về những gì hóa ra là vấn đề chính trị nội bộ".

Còn ông Morrison nói, ông không thấy gì bất thường trong cuộc điện đàm nhưng lại lo rằng nội dung của nó có thể bị tiết lộ và gây ảnh hưởng tới sự ủng hộ của cả hai đảng dành cho Ukraine. "Tôi muốn việc tiếp cận bị hạn chế", ông phát biểu trước các nhà điều tra.

Trong cuộc điện thoại, Tổng thống Mỹ yêu cầu ông Zelensky mở hai cuộc điều tra sẽ đem lại các lợi ích chính trị cho ông, trong đó, một cuộc điều tra nhằm vào cựu Phó Tổng thống Mỹ đồng thời là ứng cử viên tiềm năng cho bầu cử 2020, Joe Biden và con trai Hunter Biden. Cuộc điều tra thứ hai liên quan tới một thuyết âm mưu mà một số cố vấn của ông Trump đưa ra, đó là chính Ukraine – không phải Nga mới can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016.

Cựu đặc phái viên của Mỹ tại Ukraine Kurt Volker bày tỏ, hai mối quan ngại trên là "các thuyết âm mưu". Ông bổ sung, các cáo buộc tham nhũng đối với hai cha con Biden "không đáng tin cậy".

Tổng thống Trump khẳng định mình không làm sai. Ông cũng gọi cuộc điều tra luận tội do Hạ viện phát động là "cuộc săn tìm phù thủy", đồng thời chỉ trích và ngăn cản một số nhân chứng ra điều trần.

Cựu đặc phái viên Mỹ tại Ukraine Kurt Volker; và cựu giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tim Morrison, tuyên thệ trước khi cung cấp lời khai trong phiên điều trần ngày 19/11 trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (ảnh: Reuters)

Cựu đặc phái viên Mỹ tại Ukraine Kurt Volker; và cựu giám đốc cấp cao về các vấn đề châu Âu và Nga tại Hội đồng An ninh Quốc gia Tim Morrison, tuyên thệ trước khi cung cấp lời khai trong phiên điều trần ngày 19/11 trước Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ (ảnh: Reuters)

Các mối liên hệ bị bỏ qua

Ngay trước cuộc điện đàm tháng 7, ông Trump đã đóng băng khoản viện trợ quân sự trị giá 391 của Mỹ dành cho Ukraine nhằm giúp Kiev đối phó với lực lượng li khai tại miền đông đất nước.

Theo lời khai của ông Volker, Tổng thống Trump miêu tả Ukraine là "một đất nước tham nhũng, đầy những người kinh khủng".

"Ông ấy [Trump] nói, họ 'cố gắng hạ bệ tôi'", ông Volker bổ sung.

Cựu đặc phái viên cho hay, ông không biết rằng yêu cầu giải quyết tình trạng tham nhũng tại Ukraine và điều tra công ty khí đốt Burisma (mà con trai ông Biden từng giữ một vị trí trong hội đồng quản trị) – lại chính là một yêu cầu điều tra nhà Biden.

"Đáng lẽ ra tôi phải nhìn nhận mối quan hệ đó theo một cách khác và nếu làm vậy, tôi đã có thể nêu ra phản đối của mình", ông Volker tỏ ra hối tiếc.

Reuters đưa tin, lời khai của ông Volker dường như có phần xung đột với một lời khai khác mà ông đã đưa ra trước đó. Trong một phiên điều trần kín hồi tháng 10, ông Volker nói không hề nghe gì về các cuộc điều tra khi tham dự một cuộc họp tại Nhà Trắng vào ngày 10/7 giữa các quan chức Mỹ và Ukraine.

Cũng trong ngày 19/11, ông Volker chỉ trích Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland đã có một bình luận "mơ hồ" về các cuộc điều tra mà mọi người đều coi là không phù hợp.

Công kích cá nhân

Tổng thống Trump đã công kích cả bà Williams và ông Vindman trên Twitter là những nhân chứng "Không bao giờ Trump" (Never Trump) – một cụm từ ông thường sử dụng để miêu tả các đảng viên Cộng hòa phản đối mình.

Nghị sỹ Dân chủ Jim Himes hỏi ông Vindman: "Trung tá, liệu ông có gọi bản thân mình là một người 'Không bao giờ Trump'"?

"Tôi sẽ gọi mình là một người không bao giờ theo phe phái", ông Vindman trả lời.

Cùng lúc, tài khoản Twitter chính thức của Nhà Trắng đã chỉ trích các phát biểu của ông Vindman. Ở một tweet khác, con trai của Tổng thống Trump, Donald Trump Jr. gọi sỹ quan quân đội là "một người quan liêu phe phái ở tầng lớp thấp và không gì hơn".

Trong khi đó, ông Vindman nói với các nghị sỹ rằng, những công kích nhằm vào các nhân chứng trong quá trình luận tội là "đáng bị khiển trách".

Một quan chức Mỹ tiết lộ, trung tá Vindman và gia đình có thể sẽ phải chuyển tới một căn cứ quân sự vì lý do an toàn. Tuy nhiên, bản thân Vindman lại không tỏ ra sợ hãi.

"Đây là đất nước mà tôi đã phụng sự và bảo vệ, là nơi tất cả những người anh em của tôi đã phụng sự - và ngay tại đây, những điều đúng đắn", ông tuyên bố và nhận được những tràng pháo tay vang dội.

Cuộc điều tra có thể khiến Hạ viện thông qua các cáo buộc chính thức chống lại Tổng thống Trump – gọi là các điều khoản luận tội – và sau đó chúng sẽ được gửi tới Thượng viện do Đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát. Tại đây, một phiên tòa sẽ được mở ra để xem xét liệu có cách chức Tổng thống Trump hay không.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell nhận định hôm thứ ba rằng, khả năng 2/3 Thượng viện bỏ phiếu để buộc tội ông Trump là "không đáng tin cậy".

Theo kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến do Reuters/Ipsos thực hiện, 46% người dân Mỹ ủng hộ luận tội và 41% phản đối nó.

Phiên điều trần công khai vào thứ sáu tuần trước đã thu hút 12,9 triệu khán giả của 7 mạng tivi phát sóng trực tiếp trên toàn nước Mỹ. Con số này không bao gồm những người xem livestream trên điện thoại, máy tính hoặc theo dõi thông qua các mạng xã hội.

Minh Đức

Nguồn Tổ Quốc: http://toquoc.vn/luan-toi-tong-thong-my-tiep-tuc-soc-khong-biet-gi-tan-thuong-xen-lan-tan-cong-ca-nhan-2019112009411075.htm