Luật '30 ngày hòa giải' mới được ly hôn ở Trung Quốc

Các cặp vợ chồng ly hôn phải có sự đồng thuận từ cả 2 phía, đồng thời trải qua một giai đoạn 'hòa giải' trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay.

Zing trích dịch bài đăng từ Sixth Tone, đề cập đến phản ứng trái chiều của người dân Trung Quốc về điều khoản mới trong bộ luật dân sự.

Ngày 1/1, bộ luật dân sự đầu tiên của Trung Quốc chính thức có hiệu lực. Đây là một thành tựu quan trọng ở xứ tỷ dân: Bộ luật này tập hợp các luật liên quan đến mọi thứ từ tài sản, quyền thừa kế, hôn nhân, gia đình và quyền tư hữu.

Tuy nhiên, thành tựu rất thực tế này có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi một điều khoản duy nhất trong luật hôn nhân: Các cặp vợ chồng ly hôn thì phải có sự đồng thuận từ cả 2 phía, đồng thời phải trải qua một giai đoạn “hòa giải” trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay.

 Từ ngày 1/1, nếu muốn ly hôn, các cặp vợ chồng Trung Quốc phải đợi thêm "30 ngày hòa giải". Ảnh: People Visual.

Từ ngày 1/1, nếu muốn ly hôn, các cặp vợ chồng Trung Quốc phải đợi thêm "30 ngày hòa giải". Ảnh: People Visual.

Ngay từ khi dự thảo luật, giai đoạn “hòa giải” là yếu tố gây tranh cãi nhất trong bộ luật dân sự.

Trong một cuộc khảo sát của Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc trên Weibo, hơn 600.000 người phản đối điều khoản này. Họ mong muốn bảo vệ quyền tự do kết hôn, đồng thời sợ rằng giai đoạn “hòa giải” 30 ngày sẽ làm giảm tỷ lệ kết hôn vốn đã thấp ở Trung Quốc.

Trái ngược hoàn toàn với dư luận, giới luật pháp Trung Quốc gần như nhất trí với điều khoản này.

Trong các cuộc phỏng vấn và bài đăng trên tạp chí học thuật, họ lập luận rằng quyền tự do hôn nhân vốn bị hạn chế từ trước, hơn nữa sự ổn định của gia đình nên được ưu tiên hơn lựa chọn cá nhân, tức bài trừ “chủ nghĩa cá nhân”, và khoảng thời gian 30 ngày cũng không quá dài.

Xia Yinlan, một chuyên gia về luật hôn nhân và gia đình, cho biết quy tắc mới này nhằm thúc đẩy các giá trị cốt lõi của xã hội Trung Quốc truyền thống, đồng thời ổn định các mối quan hệ gia đình.

Xue Ninglan, một chuyên gia khác, tin rằng giai đoạn “hòa giải” sẽ cho các cặp vợ chồng thời gian để suy nghĩ lại về những quyết định đưa ra trong lúc nóng giận.

 Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm, trong khi đó tỷ lệ ly hôn lại tăng. Ảnh: SCMP.

Tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc giảm, trong khi đó tỷ lệ ly hôn lại tăng. Ảnh: SCMP.

Có vài trường hợp ngoại lệ, bao gồm thẩm phán Wang Liren và Pan Ping. Họ cảnh báo rằng không nên áp dụng điều khoản này một cách cứng nhắc hoặc không cân nhắc đến cuộc sống hôn nhân của một số cặp.

Mặc dù giai đoạn “hòa giải” đã chính thức được ban hành, những cuộc tranh luận xung quanh nó vẫn chưa kết thúc. Đông đảo ý kiến cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải xác định đúng vấn đề thực sự nằm ở đâu, từ đó đưa ra hướng giải quyết thích hợp nhất.

Quan niệm hôn nhân truyền thống

Sự xuất hiện của điều khoản này xuất phát từ tỷ lệ ly hôn ở xứ tỷ dân ngày càng tăng. Những người ủng hộ nó mong muốn có thể giảm thiểu những cuộc ly dị bốc đồng, từ đó bảo vệ lợi ích của con cái, tức trẻ em và trẻ vị thành niên, đồng thời ổn định tổ chức gia đình.

Tuy nhiên, vấn đề đầu tiên cần đặt ra là liệu những lo ngại về tỷ lệ ly hôn cao có phải do quan niệm truyền thống về hôn nhân quá cố chấp không.

Trong lịch sử, người Trung Quốc tin rằng các cặp vợ chồng nên ở cạnh nhau đến khi đầu bạc răng long, còn ly dị là một điều gì đó đáng xấu hổ. Và sự xuất hiện của giai đoạn “hòa giải” cũng như những cảnh báo về tình trạng ly hôn tăng cao dường như ngầm chấp nhận giá trị truyền thống đó.

 Thế hệ Millennial Trung Quốc từ lâu không còn quá coi trọng "hạnh phúc mãi mãi". Ảnh: Getty Images.

Thế hệ Millennial Trung Quốc từ lâu không còn quá coi trọng "hạnh phúc mãi mãi". Ảnh: Getty Images.

Thế nhưng, ngay cả vậy thì chính phủ Trung Quốc đã hành động quá muộn. Xã hội hiện đại từ lâu đã không còn quá coi trọng chuyện “ở bên bạn đời đến đầu bạc răng long”. Trên thực tế, ngay từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc được thành lập, luật Hôn nhân đã được thông qua, bao gồm đảm bảo quyền tự do ly hôn.

Ảnh hưởng đến con cái

Vấn đề thứ hai đáng được quan tâm là liệu việc duy trì sự toàn vẹn của hôn nhân, hay duy trì sự ổn định của gia đình có thực sự vì lợi ích tốt nhất của con cái hay không.

Có rất nhiều ví dụ thực tế cho thấy những thỏa hiệp đến từ 1 hoặc cả 2 phía vợ chồng không phải lúc nào cũng giữ cho nhà cửa êm ấm.

Ngược lại, sự căng thẳng, xích mích, thờ ơ giữa hai vợ chồng đặc biệt gây hại trực tiếp đến các thành viên còn lại trong gia đình nói chung và con cái nói riêng.

Tình yêu và sự tôn trọng là giá trị nền tảng của hôn nhân, đồng thời là những gì tốt đẹp nhất mà bố mẹ có thể dạy cho con cái. Miễn là những giá trị này còn được duy trì, con cái vẫn có thể hạnh phúc, ngay cả khi cuộc hôn nhân của bố mẹ chúng kết thúc.

 Tình yêu và sự tôn trọng là giá trị nền tảng của hôn nhân. Ảnh: Reuters.

Tình yêu và sự tôn trọng là giá trị nền tảng của hôn nhân. Ảnh: Reuters.

Khiến con người mất niềm tin vào hôn nhân

Còn về mối liên hệ giữa tỷ lệ ly hôn gia tăng với “chủ nghĩa cá nhân”, tức đặt đặc quyền của hạnh phúc mỗi người lên trên lợi ích chung, giới luật gia Trung Quốc cần phải xem xét lại.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên thông qua quyền tự do ly hôn cách đây 70 năm, quốc gia này không hề thúc đẩy chủ nghĩa cá nhân, mà nhằm bảo vệ quyền tự chủ của người dân, đảm bảo cho bên muốn ly dị một lối thoát khỏi cuộc hôn nhân đau khổ.

Tự do ly hôn cũng giống như tự do kết hôn, cả hai điều luật đều hướng cho con người theo đuổi hạnh phúc. Nhưng khác mỗi chuyện bản thân việc ly dị không phải là trải nghiệm vui vẻ gì, huống chi là “đề cao chủ nghĩa cá nhân”.

Mục tiêu trực tiếp nhất của giai đoạn “hòa giải” 30 ngày là giảm tỷ lệ ly hôn. Tuy nhiên, nếu những con số thống kê phản ánh đúng nhu cầu ly dị của xã hội thì những cặp có nhu cầu vẫn sẽ tiến hành thủ tục chia tay mà thôi.

Việc chờ đợi hòa giải 30 ngày cũng không hợp lý. Nó chỉ tốn thời gian vô ích. Hơn nữa, thời gian kéo dài tỷ lệ thuận với cường độ căng thẳng giữa những người liên quan, gây ảnh hưởng tâm lý cho những ai muốn ly dị.

 Giới trẻ sẽ ngày càng mất hứng thú và niềm tin vào hôn nhân khi chứng kiến nỗi khổ chờ đợi của những cặp muốn ly dị. Ảnh: China Daily.

Giới trẻ sẽ ngày càng mất hứng thú và niềm tin vào hôn nhân khi chứng kiến nỗi khổ chờ đợi của những cặp muốn ly dị. Ảnh: China Daily.

Chưa kể đến chuyện những người độc thân ngoài xã hội ngày càng mất hứng thú và niềm tin vào hôn nhân khi chứng kiến nỗi khổ chờ đợi của những cặp muốn ly dị.

Tỷ lệ ly dị tăng cao đơn giản chỉ thể hiện sự chuyển dịch các giá trị quan hệ giới truyền thống vốn phụ thuộc sang quan hệ giới dựa trên bình đẳng.

Nó phản ánh sự độc lập của phụ nữ, đón nhận khái niệm “sống” thay vì chỉ “tồn tại”, đồng thời chuyển hướng xã hội xem xét hôn nhân trên khía cạnh “tình cảm” thay vì “vật chất.

Khi nhận thức về bình đẳng giới tiếp tục tăng rồi chững lại, tỷ lệ ly hôn sẽ giảm xuống.

Lập pháp không chỉ là hệ thống hóa các giá trị hôn nhân của chính các nhà lập pháp. Nó phải phù hợp với các quy luật phát triển của xã hội và đáp ứng kỳ vọng của người dân về hệ thống pháp luật.

Hồng Chang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luat-30-ngay-hoa-giai-moi-duoc-ly-hon-o-trung-quoc-post1169300.html