Luật ban hành 13 năm nhưng vẫn chưa tổ chức đấu giá tần số được

Hoạt động đấu giá tần số vô tuyến điện đã đem lại nguồn thu ngân sách khá lớn cho nhiều nước trên thế giới. Song, tại Việt Nam 13 năm qua – kể từ khi Luật Tần số vô tuyến điện ra đời đến nay – vẫn chưa triển khai được hoạt động đấu giá. Đại biểu Quốc hội đã chất vấn về sự chậm trễ này.

Việc chất vấn diễn ra tại phiên thảo luận ngày 15-6 ở hội trường Quốc hội về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời trước Quốc hội chiều 15-6. Ảnh: Quốc hội

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết dự thảo luật quy định 3 phương thức cấp phép là trực tiếp, thi tuyển và đấu giá. Về khi nào đấu giá, thi tuyển và cấp trực tiếp, dự thảo luật quy định: đấu giá tần số có giá trị thương mại cao với một mục tiêu chính là tài chính. Việc thi tuyển được triển khai khi Chính phủ có đa mục tiêu, như khuyến khích công nghệ mới, phủ sóng rộng, vùng sâu, vùng xa, phủ sóng nhanh hoặc khuyến khích cạnh tranh. Còn việc cấp trực tiếp sẽ tiến hành đối với các tần số không có giá trị thương mại cao hoặc khi cấp lại, cấp thử nghiệm hoặc khi đấu giá, thi tuyển không khả thi.

Về ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ vì sao 13 năm qua chưa tổ chức đấu giá tần số, ông Hùng cho biết năm 2010, Luật Tần số vô tuyến điện bắt đầu có hiệu lực; năm 2012 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định của về đấu giá; năm 2014 Thủ tướng ban hành quyết định về các băng tần mang ra đấu giá; năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập hội đồng đấu giá để triển khai.

Đến năm 2018, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực. Theo luật, mức thu và phương thức thu phải do nghị định của Chính phủ quy định. Bởi vậy, việc đấu giá băng tần bị dừng lại vì phải chờ nghị định. Đến cuối năm 2021, Chính phủ ban hành nghị định về đấu giá tần số và hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang triển khai các bước tiếp theo.

Về điều kiện tham gia đấu giá, có ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm đến việc đảm bảo quốc phòng, an ninh khi có nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá. Ông Hùng cho biết, Luật Viễn thông, Luật Đầu tư và các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên đã quy định kinh doanh viễn thông là kinh doanh có điều kiện. Nhà đầu tư nước ngoài tham gia đấu giá băng tần thì phải được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư và giới hạn tỷ lệ góp vốn không vượt quá 49%.

Về vấn đề xử lý vi phạm về cam kết triển khai mạng sử dụng băng tần sau khi đấu giá, ông Hùng cho biết: “Mục tiêu cuối cùng của đấu giá tần số là để triển khai mạng viễn thông phục vụ người dân và phát triển kinh tế – xã hội. Đấu giá tần số luôn phải đi kèm với cam kết triển khai mạng. Vi phạm cam kết này là vi phạm nghiêm trọng và do vậy cần phải có chế tài đủ mạnh”.

Do đó, ông Hùng cho hay dự thảo quy định thu hồi giấy phép và không hoàn trả các khoản tài chính mà doanh nghiệp đã nộp. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, ông Hùng cho hay cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo luật này sẽ quy định rõ các khoản tài chính không được hoàn trả bao gồm phí sử dụng tần số, lệ phí cấp giấy phép và tiền cấp quyền sử dụng tần số mà doanh nghiệp đã nộp.

Vân Ly

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/luat-ban-hanh-13-nam-nhung-van-chua-to-chuc-dau-gia-tan-so-duoc/