Luật Bảo vệ Môi trường 2020 sắp có hiệu lực, doanh nghiệp là nhân tố chính chịu ảnh hưởng

Kể từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 chính thức có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, thuộc nhiều nhóm ngành nghề.

Kể từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực, với rất nhiều điểm mới, ưu việt so với các bộ luật có liên quan tới hoạt động bảo vệ môi trường trước đó.

Trao đổi với phóng viên báo Nhà báo và Công luận, ông Nguyễn Gia Thọ, Ủy viên Hội đồng quản lý Viện Hỗ trợ pháp lý và Bảo vệ môi trường cho biết: Trước đây, Việt Nam đã từng có các Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, 2005, 2014 và tới nay Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020.

Trong đó, Luật Bảo vệ Môi trường mới có nhiều nội dung mang tính đột phá. Một trong những nguyên tắc quan trọng của Luật, chính là xác định Bảo vệ môi trường phải được đặt ở vị trí trung tâm của các quyết định phát triển.

Kể từ ngày 1/1/2022, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 chính thức có hiệu lực sẽ tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp, thuộc nhiều nhóm ngành nghề. (Ảnh: Chính phủ)

“Trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 xác định cộng đồng doanh nghiệp là nhân tố đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ môi trường, do đó, Luật đã có nhiều quy định mới, thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định đã được quy định trong Luật”, ông Thọ nói.

Đồng tình với nhận định này, bà Nguyễn Thị Bình, đại diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đánh giá: Bộ Luật Bảo vệ Môi trường 2020 có 4 điểm mới, tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp.

Thứ nhất, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 đã ban hành Tiêu chí môi trường độc lập, để phân loại dự án đầu tư thành 4 nhóm chính. Ngoài ra, Luật cũng quy định nhóm đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Đơn cử, dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;

Hoặc dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;...

Thứ hai, Luật mới sửa đổi, bổ sung quy định về Đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Theo đó, Luật Bảo vệ Môi trường 2020 bổ sung thủ tục đánh giá sơ bộ tác động môi trường, sửa đổi quy định về đối tượng thực hiện ĐTM, quy định rõ hơn về nội dung của báo cáo ĐTM và thay đổi thủ tục phê duyệt ĐTM.

“Như vậy, các chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để xác định dự án, hoạt động kinh doanh của mình có thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM hay không; Hiểu rõ trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Nội dung này có ý nghĩa với cả những chủ thể kinh doanh thông thường và chủ thể kinh doanh dịch vụ tư vấn môi trường, tư vấn lập báo cáo ĐTM”, bà Bình nói.

Thứ ba, Luật Bảo vệ Môi trường 2021 bổ sung quy định về Giấy phép môi trường.

Bà Bình phân tích: Trước đây, các giấy phép liên quan đến môi trường không được quy định cụ thể trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 mà nằm rải rác ở các luật về thủy lợi, tài nguyên nước…

Quy định này khiến cho nhà đầu tư phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính về môi trường và lĩnh vực liên quan sau khi được phê duyệt và trước khi dự án vận hành chính thức. Điều này cũng gây nhiều khó khăn cho quản lý nhà nước.

Do đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã tích hợp chung các loại giấy phép về môi trường như xả nước thải, xả khí thải, xử lý chất thải nguy hại,… thành một loại giấy phép gọi là Giấy phép môi trường.

Cuối cùng, Luật mới sửa đổi quy định liên quan đến bồi thường thiệt hại. Một trong những vấn đề khó khăn nhất của các vụ tranh chấp môi trường là bên bị thiệt hại không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và thiệt hại xảy ra do hành vi đó gây ra.

Để khắc phục vấn đề này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định trách nhiệm chứng minh mối quan hệ nhân quả này thuộc về bên bị kiện, tức là tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường khi vụ việc được giải quyết tại Tòa án. Quy định này nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bên bị thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường gây ra.

Đồng thời, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng lần đầu tiên đề cập đến nguyên tắc xác định trách nhiệm bồi thường khi có từ 02 tổ chức, cá nhân trở lên gây thiệt hại về môi trường. Nguyên tắc bồi thường được xác định theo tỷ lệ gây thiệt hại trong tổng thiệt hại về môi trường giữa các bên.

“Nói tóm lại, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có nhiều điểm mới sẽ tác động tới hoạt động của các chủ thể kinh doanh. Đó đó, chủ thể kinh doanh cần nghiên cứu để nâng cao trình độ pháp lý và thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ bảo vệ môi trường”, bà Bình nhấn mạnh.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-bao-ve-moi-truong-2020-sap-co-hieu-luc-doanh-nghiep-la-nhan-to-chinh-chiu-anh-huong-post174883.html