'Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) giảm nhiều quyền của người dân và doanh nghiệp'
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua hạ tuần tháng 11, dù theo các chuyên gia, luật mới còn nhiều bất cập, nhất là vẫn hạn chế quyền tiếp cận đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của cộng đồng. Người Đô Thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Đức, Phó trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo ông, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) so với Luật 2014, có những tiến bộ và những bất cập nào cần lưu ý?
Nếu luật này được thực thi đúng như những gì được viết thì tốt hơn rất nhiều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, nhưng nếu tỷ lệ thực thi cũng tương tự Luật 2014 thì không bằng. Cho nên cái quan trọng nhất không phải văn bản luật thế nào mà là khả năng thực thi của luật. Nếu luật này chỉ thực thi 60% thôi thì đã có rất nhiều tiến bộ như doanh nghiệp có quyền mua bán, chuyển nhượng hạn ngạch xả thải, người dân có quyền khởi kiện khi bị thiệt hại vì môi trường ô nhiễm, người dân được cung cấp thông tin để giám sát thực thi bảo vệ môi trường...
Tuy nhiên, chuyện thực thi luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ môi trường ở Việt Nam lâu nay rất yếu, nên tôi chỉ có thể nói thế này: Luật 2020 tăng rất nhiều quyền ban phát cho cơ quan quản lý thông qua tăng rất nhiều thủ tục hành chính, tăng rất nhiều nghĩa vụ đóng góp tài chính của doanh nghiệp, người dân; nhưng lại giảm rất nhiều quyền của người dân và doanh nghiệp.
Một luật tiến bộ thì phải vì quyền của người dân và doanh nghiệp chứ không phải vì quyền của cơ quan quản lý. Quan trọng nhất, để bảo vệ môi trường thì phải tăng quyền cho người dân, chứ không phải cho nhà nước, vì người dân trực tiếp chịu thiệt hại từ tình trạng ô nhiễm môi trường. Còn nếu cứ trông vào một cơ quan nhà nước trong lĩnh vực này thì không hiệu quả.
Một trong những hạn chế về quyền của người dân trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) có phải là quy định cơ quan thẩm định ĐTM chỉ công khai quyết định phê duyệt ĐTM, còn nội dung ĐTM thuộc về trách nhiệm của chủ đầu tư, và các quyền khác nữa?
Theo luật mới, quyền của người dân được cung cấp thông tin về ĐTM của một dự án chỉ quy định một câu là doanh nghiệp phải công bố ĐTM trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước chỉ công bố quyết định phê duyệt. Nhưng trên thực tế, việc yêu cầu doanh nghiệp công bố thông tin rất không khả thi.
Một luật tiến bộ thì phải vì quyền của người dân và doanh nghiệp chứ không phải vì quyền của cơ quan quản lý.
Luật trước đây quy định phải công bố báo cáo tác động môi trường và theo Nghị định 40 hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 của Chính phủ thì quy định cơ quan nhà nước phê duyệt ĐTM phải công bố báo cáo này. Nhưng trên thực tế tôi chưa thấy một cơ quan nào công bố cả!
Luật cũng quy định trong quá trình làm ĐTM phải tham vấn người dân nhưng thường họ chỉ tham vấn bản tóm tắt và thường chỉ tham vấn chính quyền địa phương, hoặc tham vấn trong một cuộc họp chóng vánh không hiệu quả thực chất.
Về quy định cơ quan công bố ĐTM thì các nước thường quy định thế nào, thưa ông?
Thông lệ quốc tế là cơ quan nhà nước công khai ĐTM. Doanh nghiệp sẽ công khai một số thông tin khác. Thực tế hiện nay, trách nhiệm công khai thông tin của các doanh nghiệp đang là xu hướng trên thế giới. Đây là việc doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội (CSR) của họ. Hiện rất nhiều tập đoàn, công ty lớn trên thế giới công bố thông tin về môi trường liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ cho người tiêu dùng được biết. Ai có xu hướng tiêu dùng xanh sẽ lựa chọn doanh nghiệp bảo vệ môi trường tốt hơn. Việc công bố thông tin của doanh nghiệp không loại trừ nghĩa vụ công bố thông tin của nhà nước. Những gì nhà nước biết thì nhà nước phải công khai, không đẩy cho doanh nghiệp.
Tôi thừa nhận trong ĐTM có một số thông tin mang tính bí mật kinh doanh như công nghệ sẽ sử dụng, rồi những phương án bố trí của các doanh nghiệp trong kế hoạch quản trị, họ không muốn tiết lộ rộng rãi, đặc biệt là cho đối thủ cạnh tranh. Khi công bố ĐTM, người ta có thể bôi đen để che những thông tin này. Còn những thông tin như ảnh hưởng thế nào đến sinh thái, đốn bao nhiêu rừng, đưa vào nguồn nước bao nhiêu chất thải… thì người dân có quyền được biết.
Còn quyền lợi của doanh nghiệp bị hạn chế thế nào trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)?
Tôi lấy ví dụ, trước đây doanh nghiệp sẽ làm một lần thủ tục ĐTM, sau đó là hoàn thiện công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên Luật Môi trường (sửa đổi) 2020 đã tách hai thủ tục này thành rất nhiều thủ tục nhỏ, và doanh nghiệp sẽ phải đội chi phí và thời gian làm thủ tục hành chính lên rất nhiều. Chẳng hạn, về thủ tục ĐTM, bây giờ phải thêm một khâu nữa là đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Việc này doanh nghiệp phải thực hiện cả trong giai đoạn xin phê duyệt chủ trương đầu tư. Mặc dù nói không tăng các thủ tục hành chính, nhưng doanh nghiệp phải tăng số hồ sơ xin phê duyệt chủ trương đầu tư, mà báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường thì hiện tại rất nhiều người ở các công ty tư vấn, thậm chí cơ quan quản lý và doanh nghiệp chưa biết phải thực hiện thế nào.
Thêm nữa, trước đây doanh nghiệp chỉ phải làm thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, thì nay phải thực hiện thủ tục xin giấy phép môi trường thay cho thủ tục đó. Tuy nhiên thủ tục xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường chỉ làm một lần trong suốt quãng đời của dự án, nhưng xin giấy phép môi trường thì sẽ phải làm định kỳ, khả năng là 10 năm một lần, với dự án lớn khả năng là 7 năm một lần. Điều này sẽ tăng chi phí và tăng rủi ro cho doanh nghiệp khi đầu tư, và tăng nguy cơ tham nhũng nữa. Bởi doanh nghiệp bỏ rất nhiều tiền vào dự án đầu tư nên để có giấy phép môi trường họ sẵn sàng hối lộ cơ quan quản lý nhà nước. Chưa nói đến rủi ro thay đổi về quy hoạch và tiêu chuẩn bảo vệ môi trường có thể khiến một dự án đang hoạt động đúng luật bỗng dưng trở thành phạm luật.
Điều này cực kỳ tai hại cho nền kinh tế, cho cả đất nước bởi sẽ dẫn đến tình trạng không ai dám đầu tư lớn, sẽ chỉ còn những dự án đầu tư chộp giật, có lãi xong thì bỏ.
Ảnh: Bảo Hưng
Ông có đang đứng trên quan điểm bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp hơi nhiều không, vì quy định phải xin lại giấy phép môi trường sau định kỳ 7 hay 10 năm có thể là một nỗ lực giám sát của nhà nước để bảo vệ môi trường, bảo vệ người dân?
Tôi đứng trên quan điểm của các doanh nghiệp không gây ô nhiễm nhưng vẫn phải chịu tăng chi phí, rủi ro kinh doanh. Còn các doanh nghiệp gây ô nhiễm thì tôi ủng hộ xử lý nặng.
Nếu vì bảo vệ người dân, bảo vệ môi trường thì không cấp phép ngay từ ban đầu. Còn nếu đã cấp phép rồi giữa chừng thu hồi giấy phép, dù doanh nghiệp làm đúng quy định, thì sẽ cực kỳ rủi ro cho kinh doanh. Hơn nữa, các tiêu chí cấp phép hiện rất chung chung, phụ thuộc diễn giải của cán bộ thực thi, chứ không có tiêu chí khách quan để doanh nghiệp chủ động tuân thủ.
Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) còn có những hạn chế nào khác nữa, thưa ông?
Còn có khá nhiều chi tiết nhỏ liên quan đến từng quy định cụ thể. Nhưng vấn đề lớn nhất với Luật Bảo vệ môi trường này và các “đời” luật bảo vệ môi trường trước đây là tính khả thi của các quy định không cao. Chính sách cứ đưa vào luật nhưng các công đoạn cụ thể để thực hiện các chính sách ấy lại rất yếu. Ví dụ quy định yêu cầu doanh nghiệp sản xuất đồ uống đóng chai có trách nhiệm thu gom vỏ chai, trực tiếp thu gom hoặc thuê bên khác làm, hợp tác nhiều bên cùng làm, có thể sử dụng hiệp hội để thu gom, hoặc đóng một khoản tiền vào ngân sách nhà nước để nhà nước thu gom.
Cơ chế này rất hay nhưng để thực hiện được phải có vô số công việc khác đi kèm. Hay quy định dự án có chứng nhận bảo vệ môi trường sẽ được vay tín dụng xanh ưu đãi, nhưng ưu đãi thế nào, đánh giá thế nào là một dự án tín dụng xanh thì không rõ quy định…
Hay với Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), có quy định về việc chuyển nhượng, mua bán giấy phép xả thải, hạn ngạch xả thải trong một khu vực. Nhưng để làm được điều này thì đầu tiên phải xác định hạn ngạch xả thải của một khu vực, điều mà đến nay vẫn chưa làm được. Chuyện một ông đến trước “xí” hết lượng xả thải cho phép của một khu vực để sau đó bán lại đã từng diễn ra trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, liệu nó có tiếp tục xảy ra trong lĩnh vực môi trường?
Cái quan trọng nhất không phải văn bản luật thế nào mà là khả năng thực thi của luật.
Luật Bảo vệ môi trường trước đây từng có quy định doanh nghiệp nếu có những hoạt động bảo vệ môi trường thì sẽ có ưu đãi, hỗ trợ từ nhà nước, ví dụ như cơ sở hạ tầng, thuế... Chính phủ cũng ban hành một nghị định liệt kê rất rõ loại dự án nào được ưu đãi và cơ chế ưu đãi là gì, nhưng chúng tôi hỏi có doanh nghiệp được ưu đãi theo quy định này chưa thì câu trả lời là chưa. Quy định này đã tồn tại 11 năm, nghe rất hay nhưng trên thực tế không “chạy”.
Các cơ quan bảo vệ môi trường rất thích vẽ ra những quy định mới, thủ tục mới trong khi không đủ năng lực thực hiện và sau đó thì đổ rủi ro cho doanh nghiệp. Tôi lấy ví dụ Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) yêu cầu doanh nghiệp phải mua bảo hiểm bồi thường trách nhiệm thiệt hại khi gây ô nhiễm môi trường cho bên thứ ba. Quy định này kỳ lạ ở chỗ, trên thị trường rất hiếm công ty bảo hiểm bán sản phẩm này. Thường chỉ có các công ty bảo hiểm nước ngoài bán với giá rất đắt, vì kiện bồi thường môi trường ở nước ngoài chi phí rất cao, còn bồi thường thiệt hại ô nhiễm môi trường trước đây ở Việt Nam thì rất thấp, do người dân không có quyền khởi kiện tập thể nên một vài người dân đi kiện đơn lẻ không mang lại giá trị bồi thường lớn, hơn nữa bản thân những bồi thường liên quan đến sức khỏe, tính mạng ở Việt Nam đều được định giá rất rẻ. Điều này dẫn đến hầu hết doanh nghiệp lựa chọn phạm luật, không mua bảo hiểm này.
Ông vừa nói đến quyền khiếu kiện tập thể của người dân trong các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường?
Trên thế giới khi một doanh nghiệp gây ô nhiễm trong một khu vực mà nhiều người dân chịu tác động thì có cơ chế cho phép tập thể người dân ấy cùng khởi kiện tập thể. Nhưng ở Việt Nam cơ chế khởi kiện tập thể gần như không tồn tại.
Tôi lấy ví dụ trước đây Vedan xả thải gây ô nhiễm môi trường, tất cả các đơn kiện là đơn kiện độc lập và thực tế vụ đó cuối cùng vẫn không đem ra xử tại tòa. Vedan đồng ý bồi thường mà không đưa ra xử. Hay vụ Formosa năm 2016 khiến một số lượng rất lớn ngư dân 4 tỉnh miền Trung bị thiệt hại, họ cũng không được khởi kiện tập thể mà Nhà nước yêu cầu Formosa bồi thường 500 triệu USD. Tuy nhiên, người dân chắc gì đã bị thiệt hại tới mức 500 triệu USD hoặc thiệt hại nhiều hơn? Trách nhiệm bồi thường cho người dân là của doanh nghiệp, tại sao Nhà nước lại đứng ra, nhận khoản tiền của doanh nghiệp, sau đó lại phải chịu trách nhiệm trả cho người dân?
Cũng có lo lắng rằng chất lượng ĐTM của Việt Nam kém, theo ông có thể khắc phục điều này thế nào?
Điều này có thể khắc phục bằng cách tăng tính chuyên môn và giảm tính hành chính, chính trị trong việc thẩm định ĐTM. Để tăng tính chuyên môn thì quan trọng nhất là tiêu chuẩn những người ngồi trong hội đồng phê duyệt ĐTM.
Vừa rồi Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra luận điểm chất lượng ĐTM của Việt Nam là kém, do đó cần đưa ra cái gọi là điều kiện kinh doanh cho những người làm dịch vụ ĐTM. Tôi cho rằng ĐTM của Việt Nam kém không do người viết, mà tại những người phê duyệt báo cáo đó chưa làm tốt việc của mình. Nếu những người phê duyệt có chuyên môn tốt và làm việc công tâm thì tự khắc báo cáo đó buộc phải chất lượng, vì nếu chất lượng kém thì không được phê duyệt. Đằng này những người ngồi thẩm định báo cáo cũng không chắc có chuyên môn tốt, lại thêm sự ảnh hưởng nhiều của yếu tố hành chính và chính trị, vì các cơ quan như sở tài nguyên và môi trường hoặc chi cục bảo vệ môi trường địa phương được quyết định thành phần hội đồng phê duyệt ĐTM.
Một số quốc gia ngăn chặn tình trạng này bằng cách thay vì cấp phép cho người soạn ĐTM như Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đề xuất, thì họ cấp phép cho những người ngồi trong hội đồng thẩm định ĐTM, vốn được mời một cách ngẫu nhiên. Ý kiến của mọi thành viên hội đồng trong quá trình thẩm định ĐTM sẽ được ghi lại hết. Nếu sau này dự án đi vào hoạt động gây tác động đến môi trường nghiêm trọng so với ĐTM đã được phê duyệt thì những người bỏ phiếu thuận cho báo cáo này sẽ bị tước giấy phép.
Hoàng Hương thực hiện