Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới

'Sau 15 tháng chuẩn bị công phu, kịp thời, chất lượng, ngày 11-11-2020, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN) với 94,61% tổng số đại biểu tán thành. Ngày 25-11-2020, Chủ tịch nước đã ký Lệnh số 11/2020/L-CTN công bố Luật BPVN. Việc ban hành Luật BPVN thể hiện quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ nhằm thể chế kịp thời ý chí của Đảng, nguyện vọng của nhân dân trong hoạt động bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới. Đặc biệt, Luật BPVN đã thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia' - Thiếu tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Luật BPVN do Bộ Quốc phòng tổ chức, ngày 28-12, tại Hà Nội.

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, BĐBP Cao Bằng cùng nhân dân tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Ảnh: Viết Hà

Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lý Vạn, BĐBP Cao Bằng cùng nhân dân tuần tra bảo vệ đường biên, mốc quốc giới. Ảnh: Viết Hà

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 28-9-2018 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã kịp thời xác định nhiệm vụ xây dựng Luật BPVN trong chương trình công tác của Quân ủy Trung ương, kế hoạch nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2019 và năm 2020 nhằm lãnh đạo, chỉ đạo Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành liên quan tổng kết 20 năm thi hành Pháp lệnh BĐBP làm cơ sở báo cáo Chính phủ đề xuất Quốc hội đưa Dự án Luật BPVN vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Sau khi Quốc hội khóa XIV đưa Luật BPVN vào Nghị quyết về xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và Thủ tướng Chính phủ có quyết định về xây dựng Luật BPVN, ngày 24-7-2019, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Ban soạn thảo tiến hành xây dựng Luật BPVN. Dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Ban soạn thảo mà trực tiếp là Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo Luật BPVN (Bộ Tư lệnh BĐBP) đã phối hợp với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng và các Bộ, ban, ngành có liên quan tiến hành các bước thực hiện xây dựng Luật BPVN đúng trình tự, thủ tục, chương trình của Quốc hội, Chính phủ và kế hoạch soạn thảo của Bộ Quốc phòng.

Trong quá trình xây dựng Luật BPVN, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã tiến hành tổng hợp, rà soát các văn bản pháp luật trong nước, điều ước quốc tế có liên quan; tiếp thu tối đa, giải trình đầy đủ ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân xây dựng Luật BPVN công phu, chất lượng, đúng trình tự, thủ tục theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đảm bảo đúng tiến độ, kế hoạch soạn thảo của Bộ Quốc phòng, Chính phủ, chương trình xây dựng luật của Quốc hội.

Tại hội nghị tổng kết, các đại biểu đã đánh giá cao Ban soạn thảo Luật BPVN đã vượt qua nhiều khó khăn, phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn thành công tác xây dựng Luật hiệu quả, chất lượng.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, Luật BPVN được xem là dự án Luật khó vì có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội... Nhưng với sự nỗ lực của cơ quan chủ trì soạn thảo và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, đặc biệt là Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã chuẩn bị hồ sơ Luật BPVN một cách công phu, kỹ lưỡng, khoa học. Đồng thời, trong quá trình xin ý kiến của các chuyên gia và đại biểu Quốc hội, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã tiếp thu, chỉnh lý và giải trình kịp thời, đáp ứng yêu cầu hoàn thành Luật BPVN bảo đảm chất lượng và được Quốc hội đồng tình cao.

“Luật BPVN có 3 điểm lớn, xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới; lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; các vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Các nội dung này khi mới dự thảo có sự giao thoa, chưa thống nhất với các văn bản pháp luật hiện hành. Nhưng với sự cầu thị, Cơ quan Thường trực Ban soạn thảo đã phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý hiệu quả bảo đảm, Luật BPVN đồng bộ, thống nhất, không có sự chồng chéo với các văn bản pháp luật hiện hành. Đặc biệt, Luật BPVN được ban hành phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn quân thực hiện nhiệm vụ biên phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững mạnh...” - bà Nguyễn Thị Hạnh nhấn mạnh.

Còn theo Thiếu tướng Đỗ Quang Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, Luật BPVN sau khi được Quốc hội thông qua và Chủ tịch nước ký Lệnh ban hành đã được dư luận đánh giá cao, tạo sự yên tâm, phấn khởi, động viên toàn bộ cán bộ, chiến sĩ BĐBP và các cơ quan tổ chức, đơn vị lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu vực biên giới trong tổ chức, thực hiện nhiệm vụ biên phòng, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu trong điều kiện hiện nay.

Luật BPVN được ban hành đã thể chế toàn diện, đầy đủ chủ trương, quan điểm, đường lối, mục tiêu của Đảng về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP, đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; kế thừa, phát triển các quy định có giá trị của Pháp lệnh BĐBP và các văn bản pháp luật có liên quan.

“Việc ban hành Luật BPVN đã thể chế chủ trương, quan điểm, tư duy mới của Đảng về bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia như: “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đặc biệt là Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia” - Thiếu tướng Đỗ Quang Thành bày tỏ.

Để triển khai Luật BPVN đồng bộ, thống nhất, hiệu quả (Luật BPVN có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2022), Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu, Bộ Tư lệnh BĐBP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ sớm hoàn thiện Quyết định ban hành, Kế hoạch triển khai thi hành Luật BPVN trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Bên cạnh đó, rà soát toàn diện, đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP. Từ đó, đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật đảm bảo phù hợp với Luật BPVN. Tập trung xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BPVN; chủ động chỉ đạo cơ quan chuyên môn trình các đề án, dự án, biên soạn giáo trình, tài liệu phục vụ công tác tập huấn, phổ biến, tuyên truyền Luật BPVN.

Viết Hà

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-co-y-nghia-dac-biet-quan-trong-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-post436294.html