Luật Biên phòng Việt Nam đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới

Ngày 11-11-2020, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam, đây là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp biên phòng toàn dân gìn giữ biên cương Tổ quốc, là sự tiếp nối truyền thống 'Biên phòng hảo vị trù phương lược' của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Trung tướng Đỗ Danh Vượng. Ảnh: Hoa Hạ

Trung tướng Đỗ Danh Vượng. Ảnh: Hoa Hạ

Luật Biên phòng Việt Nam quán triệt, cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và các lực lượng chức năng trong xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân trong bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa, tạo điều kiện để đất nước hội nhập và hợp tác quốc tế; xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, thể hiện tập trung ở những nội dung cơ bản sau:

Một là, Luật Biên phòng Việt Nam quán triệt, thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác biên phòng.

Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, những năm qua, Đảng, Nhà nước có nhiều chủ trương, quan điểm, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc; về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia; đặc biệt Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khẳng định: “Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước; dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể, “mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống”; lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; BĐBP là lực lượng chuyên trách, lực lượng chiến đấu đầu tiên, bám trụ đến cùng để bảo vệ và giữ vững biên giới quốc gia”.

Luật Biên phòng Việt Nam thể hiện rõ chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác biên phòng, về chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; khẳng định chủ trương nhất quán, xuyên suốt là thực hiện chính sách độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển và ổn định lâu dài với các nước có chung đường biên giới; mở rộng hợp tác quốc tế, đối ngoại quốc phòng, an ninh, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân. Đồng thời, quy định nguyên tắc, nhiệm vụ biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và sự phối hợp giữa các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng, xây dựng lực lượng BĐBP và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Hai là, Luật Biên phòng Việt Nam tạo hành lang pháp lý phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Luật Biên phòng Việt Nam thể chế hóa quan điểm “Đại đoàn kết dân tộc”, “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng, Nhà nước ta. Để quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia cần phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng; sức mạnh về chính trị, tư tưởng, văn hóa, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; sức mạnh của nền biên phòng toàn dân trong nền quốc phòng toàn dân kết hợp chặt chẽ với nền an ninh nhân dân; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, làm nền tảng xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Luật Biên phòng Việt Nam quy định nội dung cơ bản xây dựng nền biên phòng toàn dân là xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực phòng thủ và phòng thủ dân sự; xây dựng, củng cố hệ thống chính trị, tiềm lực chính trị, tinh thần, quân sự, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đáp ứng nhiệm vụ biên phòng ở khu vực biên giới; xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại và xây dựng phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu. Thế trận biên phòng toàn dân tập trung xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, bố trí các cụm dân cư đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới; xây dựng công trình phòng thủ liên hoàn, vững chắc; tổ chức, bố trí lực lượng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ biên phòng; phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, lực lượng phát huy sức mạnh tổng hợp, kịp thời xử lý các tình huống.

Ba là, Luật Biên phòng Việt Nam góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình, tạo điều kiện để đất nước hội nhập và hợp tác quốc tế.

Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bao hàm cả thời gian, không gian, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết tạo thế và lực vững chắc về mọi mặt cho đất nước trước các nguy cơ chiến tranh, xung đột, tiến hành phòng ngừa trước, chủ động chuẩn bị cả tiềm lực và thế trận bảo vệ Tổ quốc ngay trong thời bình, lấy việc phòng ngừa, chuẩn bị trước là chủ yếu; có kế hoạch bảo vệ từ bên ngoài biên giới. Luật Biên phòng Việt Nam quy định nội dung hợp tác và hình thức hợp tác quốc tế về biên phòng. Đây là cơ sở quan trọng thực hiện mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và ngoại giao nhân dân trong bảo vệ biên giới quốc gia với các hoạt động cụ thể như các chương trình “Giao lưu hữu nghị quốc phòng”, “Giao lưu hữu nghị biên giới”, “Giao lưu Biên cương thắm tình hữu nghị”, giao lưu công tác chính trị giữa lực lượng bảo vệ biên giới nước ta với các lực lượng bảo vệ biên giới các nước láng giềng và trong khu vực. Kết hợp với các hoạt động kết nghĩa, phối hợp, các hoạt động ngoại giao nhân dân, qua đó góp phần củng cố lòng tin, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, phục vụ tốt chủ trương mở cửa, hội nhập và hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước và Quân đội. Đồng thời, bảo đảm tính khả thi thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Bốn là, Luật Biên phòng Việt Nam củng cố cơ sở pháp lý xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Quán triệt quan điểm xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam xác định: Xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới quốc gia toàn dân vững mạnh, rộng khắp; xây dựng BĐBP cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, Luật Biên phòng Việt Nam quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi hoạt động của BĐBP; hình thức, biện pháp quản lý, bảo vệ biên giới, hệ thống tổ chức, trang bị và các vấn đề khác có liên quan. Đây là những vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện xây dựng lực lượng nòng cốt, chuyên trách bảo vệ biên giới, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, vì vậy cần được xây dựng, quản lý và bảo vệ vững chắc cả thời bình và thời chiến. Bảo vệ biên giới quốc gia là tổng thể các biện pháp nhằm bảo vệ chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ tính uy nghiêm, biểu tượng quốc gia ở biên giới, cửa khẩu; bảo vệ Đảng, Nhà nước, Nhân dân; bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc, tài nguyên, môi trường sinh thái, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phòng thủ vững chắc khu vực biên giới. Luật Biên phòng Việt Nam được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ công tác biên phòng trong tình hình mới.

Trung tướng Đỗ Danh Vượng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-dam-bao-thuc-hien-thang-loi-nhiem-vu-cong-tac-bien-phong-trong-tinh-hinh-moi-post437006.html