Luật Biên phòng Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới

Theo chương trình làm việc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, tuần tới, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam sẽ được biểu quyết thông qua. Trao đổi với phóng viên Báo Biên phòng, ông Lê Văn Sỹ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết:

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Sỹ. Ảnh: Lê Đồng

Đại biểu Quốc hội Lê Văn Sỹ. Ảnh: Lê Đồng

Việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về biên giới quốc gia, trong đó có Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia, quy định của Hiến pháp năm 2013 về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của BĐBP, nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện Pháp lệnh BĐBP.

Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng của biên giới quốc gia, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vấn đề chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là BĐBP, đáp ứng yêu cầu là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thực tiễn hơn 61 năm qua, lực lượng BĐBP đã và đang áp dụng có hiệu quả các hình thức, biện pháp công tác biên phòng nhưng chưa được luật hóa. Việc quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia chưa được quy định cụ thể nên thiếu cơ sở pháp lý. Vì vậy, để đồng bộ hóa hệ thống pháp luật Việt Nam về lĩnh vực biên giới, lãnh thổ và bảo vệ biên giới, thì việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

- Ông đánh giá thế nào về vai trò của BĐBP trong việc thực hiện phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu?

- Trong những năm qua, BĐBP luôn phát huy tốt vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm vi phạm an ninh quốc gia, đặc biệt là tội phạm ma túy, mua bán người, buôn lậu, gian lận thương mại...

Bên cạnh đó, lực lượng BĐBP đã gắn bó mật thiết với nhân dân, giúp đồng bào biên giới nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế, xã hội ở khu vực biên giới, củng cố cơ sở chính trị vững chắc trên địa bàn biên phòng.

Đặc biệt, BĐBP đã thực hiện hiệu quả nhiều mô hình, chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc như: “Thầy giáo mang quân hàm xanh”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn Biên phòng”; cán bộ BĐBP tăng cường tham gia cấp ủy các xã, thị trấn biên giới, xây dựng nông thôn mới... Những việc làm này đã tô thắm thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”, góp phần củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng, Nhà nước, bảo vệ vững chắc “phên dậu” của Tổ quốc.

Cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Đồng

Cán bộ Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới xã Bắc Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Lê Đồng

- Thưa ông, Luật Biên phòng Việt Nam được ban hành sẽ tác động như thế nào đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của người dân ở khu vực biên giới?

- Luật Biên phòng Việt Nam ra đời sẽ góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ biên giới, kiểm soát cửa khẩu. Thông qua đó, lực lượng BĐBP chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu, đẩy mạnh giao lưu hợp tác quốc tế cũng như tập trung xây dựng khu vực biên giới ngày càng vững mạnh.

Đây là những hành lang pháp lý quan trọng nhất, khẳng định rõ “Biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới”.

Đối với người dân ở khu vực biên giới, Luật Biên phòng Việt Nam sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của nhân dân. Đây cũng là cơ sở để Đảng, Nhà nước có cơ chế, chính sách cũng như chính quyền địa phương ở khu vực biên giới có điều kiện, nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế để xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Đồng (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/luat-bien-phong-viet-nam-dap-ung-yeu-cau-xay-dung-quan-ly-bao-ve-bien-gioi-quoc-gia-trong-tinh-hinh-moi-post434796.html