Luật Biển và chủ quyền của Việt Nam

Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay.

Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương. Và chủ quyền biển của Việt Nam cũng đã được ghi nhận rõ ràng bởi UNCLOS 1982.

UNCLOS và quyền của Việt Nam trên vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông

Được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương”, UNCLOS 1982 (được thông qua ngày 30/4/1982) quy định một cách toàn diện về quy chế pháp lý của các vùng biển cũng như các quyền và nghĩa vụ của các quốc gia dù có biển, không có biển hay gặp bất lợi về mặt địa lý trong việc sử dụng, khai thác và quản lý biển và đại dương.

Với Việt Nam, theo UNCLOS 1982 - quốc gia ven biển có đường bờ biển dài trên 3.260km với hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa - Việt Nam có đầy đủ các quyền và tuân thủ các nghĩa vụ được quy định trong UNCLOS. Theo Công ước, mỗi quốc gia ven biển có 5 vùng biển gồm: nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Các cán bộ chiến sĩ Vùng 2 Hải quân cùng các nhà báo, phóng viên trên tàu Trường Sa 19 vẫy chào cán bộ chiến sĩ trên Nhà giàn DK1/15. Ảnh: TTXVN

Ngày 12/11/1982, Chính phủ Việt Nam tuyên bố đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Đây cũng là căn cứ để Việt Nam xác định phạm vi các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền tài phán quốc gia theo khung pháp lý được UNCLOS đề ra.

Vùng nước nằm trong đường cơ sở gọi là “vùng nước nội thủy”, được đặt dưới chủ quyền toàn vẹn, đầy đủ và tuyệt đối của quốc gia ven biển. Tàu thuyền nước ngoài muốn vào ra nội thủy phải xin phép nước ven biển và phải tuân theo luật lệ của nước đó.

Điều 3 Công ước quy định chủ quyền của quốc gia ven biển được mở rộng ra ngoài lãnh thổ và nội thủy của mình đến một vùng biển tiếp liền kéo dài 12 hải lý tính từ đường cơ sở, được gọi là lãnh hải. Trong lãnh hải, quốc gia ven biển cũng có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ, song không tuyệt đối như nội thủy.

Quốc gia ven biển được công nhận các quyền về lập pháp, hành pháp và tư pháp trên lãnh hải, nhưng tàu thuyền nước ngoài có quyền đi qua lãnh hải của nước đó mà không phải xin phép trước nếu họ không tiến hành bất kỳ hoạt động gây hại nào.

Vùng biển tiếp giáp với lãnh hải gọi là vùng tiếp giáp lãnh hải, có chiều rộng 24 hải lý tính từ đường cơ sở. Điều 33 của UNCLOS quy định vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển thuộc quyền tài phán của quốc gia, bao gồm quyền tài phán nhằm ngăn ngừa và quyền tài phán trừng trị những vi phạm trong các lĩnh vực về hải quan, thuế khóa, y tế, nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

Vùng đặc quyền kinh tế nằm ở phía ngoài lãnh hải và tiếp liền với lãnh hải, có chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Trong vùng đặc quyền kinh tế, quốc gia ven biển có quyền chủ quyền về kinh tế và quyền tài phán.

Điều 62 của UNCLOS quy định quyền chủ quyền về kinh tế bao gồm các quyền đối với khai thác tài nguyên sinh vật, tài nguyên không sinh vật của cột nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Mọi tổ chức, cá nhân nước ngoài muốn khai thác tài nguyên trên vùng đặc quyền kinh tế phải có sự xin phép và đồng ý của quốc gia ven biển.

Theo Điều 58 của Công ước, các quốc gia được hưởng các quyền tự do hàng hải và hàng không... Tuy nhiên, khi thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác, các quốc gia phải tôn trọng luật và quy định mà quốc gia ven biển đã ban hành theo đúng các quy định của UNCLOS.

Công ước còn quy định thềm lục địa của một quốc gia ven biển bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển bên ngoài lãnh hải, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của quốc gia đó cho đến mép ngoài của rìa lục địa nhưng không vượt quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở.

Trong trường hợp mép ngoài rìa lục địa có khoảng cách chưa đến 200 hải lý, thềm lục địa của quốc gia được tính là vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở, theo điều 76 của UNCLOS.

UNCLOS quy định trong thềm lục địa, quốc gia ven biển thực hiện các quyền chủ quyền với việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, dầu khí, tôm cá... của mình.

Theo điều 279, 280 của UNCLOS, mọi tranh chấp giữa các quốc gia thành viên về việc giải thích hay áp dụng Công ước đều được giải quyết bằng các phương pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên Hợp quốc.

Là thành viên Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam được quyền có lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế rộng 200 hải lý, thềm lục địa rộng ít nhất 200 hải lý. Diện tích các vùng biển và thềm lục địa mà tại đó Việt Nam được hưởng những quyền lợi đối với vùng biển và tài nguyên theo quy định của Công ước là khoảng gần 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích lãnh thổ đất liền.

Quan điểm của Việt Nam

Trong bối cảnh tranh chấp phức tạp hiện nay ở Biển Đông, việc tôn trọng và tuân thủ đầy đủ Công ước Luật Biển 1982 càng có vai trò quan trọng trong duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ quan điểm: “Trước hết, các quốc gia cần tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như các tiến trình đàm phán đang diễn ra, tránh có những động thái nhằm làm xói mòn, hạ thấp vai trò của Công ước.

Mọi yêu sách về biển của các nước cần dựa trên các quy định của Công ước, không áp đặt các yêu sách thái quá, không phù hợp với quy định của Công ước. Khi có bất đồng hoặc khác biệt liên quan đến giải thích và thực thi Công ước, các bên liên quan cần thương lượng, giải quyết bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Luật Biển 1982.”

Trong khi chưa giải quyết được các tranh chấp, các nước liên quan cần tôn trọng và thực hiện đầy đủ DOC, kiềm chế, không thực hiện các hoạt động đơn phương có thể làm phức tạp tình hình và gia tăng tranh chấp, tham gia đàm phán một cách xây dựng nhằm sớm đạt một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất và phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982.

Công ước Luật Biển 1982 có tầm quan trọng không thể phủ nhận trong đời sống pháp luật quốc tế hiện nay. Văn kiện này đã thực sự trở thành căn cứ pháp lý vững chắc để xác định quyền và nghĩa vụ của các quốc gia và xử lý các vấn đề liên quan đến biển và đại dương.

“Là một quốc gia ven biển, Việt Nam luôn đi đầu và không ngừng nỗ lực trong việc thực hiện Công ước, kể từ khi chấp nhận sự ràng buộc và trở thành một quốc gia thành viên của Công ước 25 năm trước. Việt Nam luôn tích cực đấu tranh bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Luật Biển 1982. Theo đó, khi bàn về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam kiên trì yêu cầu “tôn trọng pháp luật quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982”, coi đây như một nguyên tắc để giải quyết và xử lý các tranh chấp liên quan đến biển đảo” - Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Việt Nam đã nỗ lực đưa nguyên tắc này vào các văn kiện của ASEAN, kể cả “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” (DOC); “Tuyên bố 6 điểm ngày 20/7/2012 của ASEAN về Biển Đông”; dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC, trong đàm phán Việt Nam và các nước thống nhất nguyên tắc COC phải sử dụng UNCLOS làm cơ sở).

Với nỗ lực của Việt Nam, nội dung “căn cứ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để tìm ra giải pháp cơ bản lâu dài cho các tranh chấp tại Biển Đông” đã được đưa vào “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” ký ngày 10/11/2011. Điều đó cho thấy Việt Nam không chỉ chủ động thực hiện nghiêm túc các quy định của Công ước mà còn luôn có ý thức thúc đẩy việc tôn trọng và thực hiện đầy đủ các quy định của Công ước.

Hà Anh

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-bien-va-chu-quyen-cua-viet-nam-post66566.html