Luật cần cụ thể hóa việc tuyển dụng và sử dụng cán bộ

Chiều 12-9, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai chủ trì hội nghị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai phát biểu tại hội nghị

Góp ý vào dự thảo luật, các đại biểu đồng tình cho rằng, Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức hiện hành áp dụng trong thực tế có những vướng mắc, bất cập nên việc sửa đổi, bổ sung là cần thiết. Nhiều đại biểu quan tâm tới các nội dung: Đối tượng là công chức (Điều 4); phương thức tuyển dụng công chức (Điều 37); chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ (Điều 6)…

Một số đại biểu đề nghị tại khoản 2, Điều 4 “Đối tượng là công chức” cần bổ sung công chức ở cả cấp xã để tạo tính liên thông giữa công chức cấp xã với công chức nói chung để có cơ chế, chính sách liên thông, bình đẳng, nhất quán. Việc này cũng sẽ giúp thu hút người tài về làm việc tại chính quyền cơ sở.

Về tuyển dụng công chức (Điều 39), nhiều đại biểu cho rằng, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức còn chung chung chưa quy định rõ nên cần cụ thể hóa phương thức kiểm định đầu vào công chức như thế nào để bảo đảm công khai, minh bạch, thiết thực, hiệu quả.

Đối với Điều 6 “Chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ”, các đại biểu tán thành việc cần phải có chính sách để phát triển và thu hút đối với người có tài năng, thông qua tuyển dụng, đãi ngộ, song, cần làm rõ khái niệm “người có tài năng”. Trong luật cần đưa ra được những nguyên tắc, tiêu chí chung nhất “người có tài năng” là thế nào để từ đó có chính sách tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng phù hợp.

Quan tâm tới nội dung sử dụng cán bộ, Luật sư Đỗ Minh Sơn (Hội Luật gia thành phố Hà Nội) cho rằng: “Sau khi thực hiện đúng quy trình về tuyển dụng, bổ nhiệm thì sử dụng cán bộ như thế nào cho hợp lý, đúng tâm tư, nguyện vọng để hạn chế sở đoản, phát huy sở trường là vấn đề rất khó, cần thấm thía đúng tinh thần 'dụng nhân như dụng mộc'. Đây là vấn đề cần được cụ thể hóa trong luật”.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng góp ý vào các nội dung: Việc xử lý đối với hành vi vi phạm trong thời gian công tác của cán bộ, công chức đã nghỉ việc, nghỉ hưu; thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật viên chức…

Phát biểu tiếp thu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Huyền Mai cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ tám sắp tới.

Phong Thu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/chinh-tri/945158/luat-can-cu-the-hoa-viec-tuyen-dung-va-su-dung-can-bo