Luật Căn cước 2023 giúp người gốc Việt không xác định được quốc tịch có được những giấy tờ cần thiết

Theo đại diện PC06 Công an TP.HCM, Luật căn cước 2023 giúp người gốc Việt không xác định được quốc tịch có được những giấy tờ cần thiết, đáp ứng nhu cầu giao dịch trong cuộc sống.

Sáng 23-8, Công an TP.HCM tổ chức hội nghị đối thoại trực tiếp về thủ tục hành chính, giải quyết thủ tục hành chính năm 2024.

Tại hội nghị, người dân, các đại diện doanh nghiệp đặt câu hỏi với lãnh đạo các đơn vị, phòng thuộc Công an TP.HCM về các vấn đề liên quan thủ tục hành chính như các quy định mới của Luật Căn cước 2023; thủ tục đăng ký chuyển quyền sở hữu và đăng ký xe ô tô mua từ người khác, mua từ ngân hàng thanh lý….

 Đại diện các phòng, đơn vị thuộc Công an TP.HCM trả lời các vấn đề về thủ tục hành chính mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: N.T

Đại diện các phòng, đơn vị thuộc Công an TP.HCM trả lời các vấn đề về thủ tục hành chính mà người dân, doanh nghiệp quan tâm. Ảnh: N.T

Việc thu thập mống mắt không có nguy hại đến mắt công dân

Chị Nguyễn Thị Mai Duyên (ngụ quận 11) nhận định trẻ em dưới 14 tuổi không thường xuyên thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính nên cần xem xét lại việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi có thực sự cần thiết không.

Trả lời, Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết Luật Căn cước 2023 cũng bổ sung quy định về quản lý, cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của các cháu, phát huy giá trị, tiện ích của thẻ căn cước trong hoạt động của Chính phủ số, xã hội số.

 Người dân đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan thủ tục hành chính như các quy định mới của Luật Căn cước 2023,... Ảnh: N.T

Người dân đặt câu hỏi về các vấn đề liên quan thủ tục hành chính như các quy định mới của Luật Căn cước 2023,... Ảnh: N.T

“Nhà nước sẽ cung cấp nhiều giải pháp, tiện ích phục vụ cả đối với công dân dưới 14 tuổi trên cơ sở sử dụng thẻ căn cước gắn chip. Công dân là trẻ em dưới 14 tuổi có thể sử dụng thẻ căn cước (hoặc sử dụng thông qua bố, mẹ, người giám hộ) trong rất nhiều dịch vụ, tiện ích như tiêm chủng, khám, chữa bệnh, giáo dục, đi lại... ”- ông Hải trả lời.

Ông Hải khẳng định việc quy định cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện theo nhu cầu của công dân hoặc theo đề nghị của cha, mẹ, người giám hộ.

Còn ông Lê Thành Quang Khôi (44 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) mong thông tin thêm về Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 1-7-2024 mở rộng việc cấp thẻ Căn cước cho nhiều đối tượng hơn. “Ngoài ra, cho tôi biết thêm việc thu thập mống mắt có nguy hại cho mắt hay không?”- ông Khôi hỏi.

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, cho biết, căn cứ điều 19 Luật Căn cước quy định người được cấp thẻ căn cước, gồm: công dân Việt Nam; công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước và công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

 Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải giải đáp thắc mắc về Luật Căn cước 2023. Ảnh: N.T

Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải giải đáp thắc mắc về Luật Căn cước 2023. Ảnh: N.T

“Về việc thu thập mống mắt sẽ được cơ quan quản lý căn cước thu nhận bằng thiết bị chuyên dụng đặc biệt, do đó sẽ không có nguy hại hoặc ảnh hưởng nào đến mắt của công dân”- ông Hải nói.

Cũng theo Thượng tá Nguyễn Ngọc Hải, Luật Căn cước 2023 đã đáp ứng, giải quyết và giúp được nhiều trường hợp người gốc Việt không xác định được quốc tịch.

“Hiện nay trên địa bàn TP.HCM và nhiều địa phương trên cả nước có những trường hợp là người gốc Việt nhưng không xác định được quốc tịch. Những người này họ rất khó khăn do không có giấy tờ tùy thân. Luật Căn cước 2023 đã đáp ứng và giải quyết được vấn đề này, tạo điều kiện cho những trường hợp này có được những giấy tờ cần thiết, đáp ứng nhu cầu giao dịch trong cuộc sống của họ”- ông Hải nói.

Hộ chiếu gắn hoặc không gắn chip đều có hiệu lực xuất, nhập cảnh

Tại hội nghị, Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm, Phó Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh (PA08), Công an TP.HCM cho biết phòng PA08 đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề xuất, nhập cảnh.

Cụ thể, về vấn đề hộ chiếu hết 6 tháng có đủ điều kiện xuất nhập cảnh không, Thượng tá Nguyễn Đức Nghiệm cho biết trước đây người dân vướng rất nhiều, nhưng từ khi Quốc hội sửa đổi, chỉ cần hộ chiếu còn nguyên vẹn, còn đủ thời gian thì được quyền xuất cảnh.

 Người dân, đại diện các doanh nghiệp... tham gia hội nghị. Ảnh: N.T

Người dân, đại diện các doanh nghiệp... tham gia hội nghị. Ảnh: N.T

“Nhưng tôi đề nghị người dân khi thấy hộ chiếu hết 6 tháng nên cố gắng đi đổi để chúng ta an tâm. Nếu gặp sự cố trục trặc gì đó mà hộ chiếu hết hạn thì sẽ rắc rối cho chính mình”- ông Nghiệm khuyến cáo.

Ông Nghiệm cũng lưu ý, hộ chiếu phổ thông có hai loại gồm loại gắn chip và loại không gắn chip, cả hai loại hộ chiếu này đều có hiệu lực xuất, nhập cảnh.

“Phòng Quản lý xuất nhập cảnh khuyên người dân không nên nặng vấn đề hộ chiếu gắn chip hay không gắn chip, nếu còn hạn vẫn cứ xuất nhập cảnh được, nếu muốn cập nhật nơi sinh thì người có thể đến Phòng Quản lý xuất nhập cảnh để bổ sung trong phần ghi chú chứ không cần đổi lại hộ chiếu”- ông Nghiệm nói.

Phát biểu tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong những năm qua, Công an TP.HCM đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, triển khai các quy định về cải cách thủ tục hành chính. Qua đó, công tác cải cách hành chính đã đạt nhiều kết quả quan trọng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Công an TP.HCM đã giải quyết tổng cộng hơn 6,1 triệu hồ sơ thuộc các lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; đăng ký, quản lý phương tiện giao thông cơ giới đường; đăng ký, quản lý cư trú; cấp căn cước công dân,... Việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ khoảng 93%.

Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.T

Ngoài ra, nhận thức, ý thức, tinh thần, trách nhiệm, tác phong, ngôn phong, thái độ phục vụ nhân dân của các chiến sĩ công an TP.HCM ngày càng tốt hơn, tạo nhiều chuyển biến tích cực, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Công an TP.HCM cũng áp dụng nhiều mô hình mới, cách làm hay, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tiếp nhận, giải quyết, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính. Qua đó, rút ngắn thời gian thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân.

Tuy nhiên, ông Dương nhìn nhận trong quá trình triển khai, công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều thiết sót cần khắc phục như một số dịch vụ công mới triển khai còn gặp sự cố về kết nối; việc in, cấp thẻ căn cước, hộ chiếu còn gặp một số vướng mắc do phải chuyển dữ liệu về Cục Cảnh sát quản lý dẫn đến chậm trễ so với yêu cầu của người dân…

Do đó, Công an TP.HCM muốn lắng nghe ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước về an ninh, trật tự…

BẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/luat-can-cuoc-2023-giup-nguoi-goc-viet-khong-xac-dinh-duoc-quoc-tich-co-duoc-nhung-giay-to-can-thiet-post806601.html