Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở nhanh chóng đi vào đời sống

Sáng 08/8, Thành ủy TPHCM tổ chức hội nghị trực tiếp và trực tuyến tuyên truyền Luật Căn cước và Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở. Tham dự có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê; Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM; Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM và hơn 23.000 đại biểu tại 391 điểm cầu thuộc Thành ủy TP Thủ Đức và các quận ủy, huyện ủy; các đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy, các sở, ban, ngành của TP.

Luật Căn cước mang lại lợi ích thiết thực cho người dân

Tại hội nghị, thông tin về Luật Căn cước, Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, hiện nước ta đang đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia một cách toàn diện để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030, hoàn thành xây dựng chính phủ số, đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ ba trong khu vực ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số; Hoàn thành xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm 100% dân số được đăng ký và quản lý.

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP thông tin về Luật Căn cước tại hội nghị

Thiếu tướng Trần Đức Tài - Phó Giám đốc CATP thông tin về Luật Căn cước tại hội nghị

Cùng với đó, trong quá trình triển khai thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh cần phải được xem xét để sửa đổi, bổ sung. Chính vì vậy để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014 và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, Luật Căn cước 2023 đã được ban hành, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, gồm 7 chương 46 điều với nhiều điểm mới mang lại thuận lợi cho người dân.

Cụ thể, Luật quy định đổi tên thẻ CCCD thành thẻ CC, lược bỏ một số thông tin in trên thẻ căn cước công dân như vân tay, đặc điểm nhân dạng, thay thế thông tin về nơi thường trú, quê quán thành nơi cư trú, nơi đăng ký khai sinh… để bảo đảm thuận lợi cho công dân khi sử dụng thẻ, bảo đảm tính riêng tư cho công dân khi thông tin sinh trắc học về vân tay được lưu trữ bảo mật trong chíp điện tử. Đối với những thẻ căn cước công dân đã cấp thì vẫn còn nguyên giá trị sử dụng, không bị tác động bởi quy định này.

Luật cũng quy định về quản lý, cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi để đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng cũng như thực hiện Chính phủ số, xã hội số. Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ thực hiện theo nhu cầu, còn với người từ đủ 14 tuổi trở lên là bắt buộc. Một điểm mới của Luật là quy định cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch. “Việc này nhằm đảm bảo quyền, lợi ích của người gốc Việt chưa xác định quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, đồng thời phục vụ tốt hơn công tác quản lý nhà nước về dân cư” - Thiếu tướng Trần Đức Tài nhấn mạnh.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê tại hội nghị

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê tại hội nghị

Theo Thiếu tướng Trần Đức tài, hiện nay công dân có nhiều loại giấy tờ khác nhau do cơ quan nhà nước cấp; điều này gây ra khó khăn nhất định cho công dân trong bảo quản, sử dụng, nhất là trong thực hiện các thủ tục hành chính, sử dụng các tiện ích, dịch vụ công; không phù hợp với xu hướng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước, hoạt động xã hội đang ngày càng phát triển ở Việt Nam. Luật Căn cước năm 2023 bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của người dân ngoài thông tin về căn cước vào thẻ căn cước như: Thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp. Việc sử dụng các thông tin tích hợp từ thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng các giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ hành chính công và giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác; qua đó, giúp giảm giấy tờ cho người dân, tạo thuận lợi cho người dân trong thực hiện giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Một điểm mới nữa so với Luật Căn cước công dân năm 2014 là Luật Căn cước năm 2023 có quy định về căn cước điện tử. Theo đó, mỗi công dân chỉ có 01 căn cước điện tử; căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công và thực hiện các giao dịch, hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

Về thời hạn sử dụng CMND và CCCD, Thiếu tướng Trần Đức Tài cũng thông tin cho người dân rõ, thẻ CCCD đã được cấp trước ngày 01/7/2024 vẫn có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được ghi trong thẻ. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước. Thẻ CCCD, CMND hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND, thẻ CCCD vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng. Riêng CMND chính thức hết giá trị sử dụng từ 01/01/2025.

Với thẻ CC, khi công dân có thay đổi thông tin về nơi cư trú, công dân có thể lựa chọn việc tích hợp thông tin vào căn cước công dân điện tử (đây là tiện ích miễn phí trên ứng dụng VNeID) để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại khác mà không phải cấp đổi thẻ căn cước công dân. Bên cạnh đó, Luật Căn cước năm 2023 cũng quy định việc cấp lại thẻ căn cước có thể làm trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước hoặc người dân thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia. Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước cho người dân. Điều này tiết kiệm chi phí cũng như thời gian, công sức cho người dân. Thiếu tướng Tài chia sẻ.

Lực lượng bảo vệ an ninh trật tự là “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an

Đối với Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở, Đại tá Nguyễn Đình Dương, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, gồm 5 Chương 33 Điều, quy định chung về từ ngữ, vai trò, chức năng, nguyên tắc hoạt động, quan hệ công tác, nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; xây dựng lực lượng, đảm bảo điều kiện hoạt động cho lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong thi hành Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở.

Đối với nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, Đại tá Nguyễn Đình Dương cho biết, với mục tiêu xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở thực sự trở thành “cánh tay nối dài” của lực lượng Công an, phát huy vai trò nòng cốt trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bám sát cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn trong nhân dân từ xa, từ sớm, biến mâu thuẫn lớn thành mâu thuẫn nhỏ, mâu thuẫn nhỏ thành không có.

Luật đã quy định 6 nhóm nhiệm vụ cơ bản của lực lượng này từ Điều 7 đến Điều 12 cụ thể, hỗ trợ nắm tình hình về ANTT; hỗ trợ xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; hỗ trợ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội; hỗ trợ vận động, giáo dục người đã có hành vi vi phạm pháp luật đang cư trú tại cơ sở; hỗ trợ tuần tra bảo đảm ANTT, an toàn giao thông; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ANTT khi được điều động.

Đại tá Nguyễn Đình Dương - Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội nghị

Đại tá Nguyễn Đình Dương - Phó Giám đốc CATP phát biểu tại hội nghị

Để phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên địa bàn TP, Đại tá Nguyễn Đình Dương đề nghị lãnh đạo các cấp chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tuyển chọn, xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng; phấn đấu đến năm 2025, hoàn thành Đề án của HĐND TPHCM, bố trí đủ 4.861 Tổ bảo vệ ANTT với 15.031 thành viên, đảm bảo kinh phí hoạt động, nơi làm việc, trang thiết bị, phương tiện đáp ứng yêu cầu công tác. Bên cạnh đó, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tư ở cơ sở cũng cần được coi trọng; Đảm bảo trong năm 2024 hoàn thành 100% thành viên lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở được tập huấn.

Phó Giám đốc CATP cũng đề nghị chính quyền các cấp cần thường xuyên quan tâm, đảm bảo thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định đối với lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở để họ yên tâm làm nhiệm vụ.

Ngọc Anh

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/luat-can-cuoc-va-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-di-vao-doi-song_165737.html