Luật chống rình rập ở Hàn Quốc vẫn không ngăn được kẻ rình rập

Việc người đàn ông khủng bố điện thoại, đe dọa bạn gái cũ được tuyên trắng án khiến dư luận Hàn Quốc tranh cãi về kẽ hở trong luật pháp.

 Nhiều người bức xúc khi luật chống rình rập không đủ mạnh để bảo vệ nạn nhân. Ảnh: AFP.

Nhiều người bức xúc khi luật chống rình rập không đủ mạnh để bảo vệ nạn nhân. Ảnh: AFP.

Ngày 6/11, Tòa án quận Incheon (Hàn Quốc) đã tuyên bố trắng án đối với người đàn ông 54 tuổi bị cáo buộc tội rình rập. Thủ phạm bị truy tố sau khi liên tục gọi điện và gửi tin nhắn cho bạn gái cũ từ ngày 26/3 đến 3/6, Korea Herald đưa tin.

Vào tháng 4, một lệnh cấm đã được ban hành với người đàn ông này, cấm anh ta tiếp cận khoảng cách 100 m nhà của nạn nhân và không được thực hiện bất cứ hình thức liên lạc nào với cô ấy.

Nhưng thủ phạm vẫn tiếp tục liên lạc với bạn gái cũ. Anh ta từng cố gắng gọi 10 cuộc điện thoại liên tục trong 4 giờ, song bị nạn nhân phớt lờ.

Hung thủ thậm chí còn đe dọa nạn nhân bằng những tin nhắn ngụ ý hắn sẽ tự kết liễu đời mình, đồng thời tìm đến nơi bạn gái cũ làm việc.

Bất chấp hành vi cố gắng tiếp cận và liên tục liên lạc, đe dọa nạn nhân kể trên, tòa án đánh giá thủ phạm không thể bị trừng phạt với tội rình rập vì thất bại khi liên lạc với bạn gái cũ.

"Hung thủ gọi nhưng nạn nhân không trả lời. Tiếng chuông điện thoại không thể coi là âm thanh hay thông điệp truyền cho người khác" tòa giải thích.

Ngoài ra, người đàn ông 54 tuổi được tha bổng vì trước đó, nạn nhân cho biết không muốn anh ta bị trừng phạt.

Các tội danh bao gồm liên tục gửi tin nhắn, đến thăm nơi làm việc của nạn nhân mà không được phép, hành hung được loại bỏ theo luật hiện hành.

Nghi phạm rình rập không thể bị trừng phạt trừ khi nạn nhân muốn, ngay cả trong trường hợp vi phạm lệnh của tòa án.

 Công chúng mong muốn có quy định mạnh hơn để bảo vệ các nạn nhân bị rình rập. Ảnh: 123rf.

Công chúng mong muốn có quy định mạnh hơn để bảo vệ các nạn nhân bị rình rập. Ảnh: 123rf.

Luật chống rình rập của Hàn Quốc được ban hành vào ngày 21/10/2021, nhưng tội phạm bạo lực liên quan đến rình rập vẫn tiếp tục lan rộng, và công chúng mong muốn có những điều luật mạnh hơn.

Các chuyên gia đã cảnh báo rằng biện pháp an toàn cho nạn nhân trong luật đã bị coi thường, ngay cả khi nó được thông qua.

Ngày 14/9, vụ người đàn ông 31 tuổi Jeon Joo-hwan sát hại đồng nghiệp cũ tại ga tàu điện ngầm Sindang (Seoul) đã gây rúng động dư luận.

Thủ phạm đã theo dõi cô gái trong 3 năm. Nạn nhân đã kiện Jeon hai lần, nhưng không có biện pháp thích hợp nào để đảm bảo an toàn được tiến hành, khiến cô gặp nguy hiểm.

Dư luận bức xúc bởi cô gái lên tiếng cầu cứu nhiều lần, song không ai đứng ra bảo vệ cô. Tòa án đã bác đơn xin lệnh tạm giam trước khi xét xử của cô gái, với lý do thiếu bằng chứng.

Một ngày trước khi thủ phạm nghe phán quyết của tòa án về tội quay lén và ghi hình trái phép nạn nhân, cô đã bị giết.

Vụ giết người ở ga Sindang đã thúc đẩy kế hoạch mới của Bộ Tư pháp nhằm tăng cường luật chống rình rập, được đưa ra vào ngày 21/10. Kế hoạch này bao gồm các điều khoản coi theo dõi trực tuyến là tội phạm rình rập, cho phép thiết bị theo dõi vị trí đối với nghi phạm trong quá trình điều tra, và áp dụng hình phạt dù nạn nhân không muốn.

Tuy nhiên, một số phần của kế hoạch vấp phải sự chỉ trích: việc gắn thiết bị theo dõi vị trí trước khi bị kết án có thể vi phạm nhân quyền. Ủy ban lập pháp đã thảo luận về kế hoạch sửa đổi vào ngày 26/10, nhưng kế hoạch vẫn còn một chặng đường dài để Quốc hội thông qua.

Đinh Phạm

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/luat-chong-rinh-rap-o-han-quoc-van-khong-ngan-duoc-ke-rinh-rap-post1372541.html