Luật chứng khoán phải có khung thiết chế huy động nguồn vốn nhàn rỗi

Nhiều quy định trong luật còn mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp và chưa có khung thiết chế huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong nhân dân để thúc đẩy kinh tế phát triển.

>> [Video] Giờ làm thêm nên trao quyền thỏa ước cho chủ doanh nghiệp và người lao động
>> Phát triển vùng DTTS cần tránh đầu tư dàn trải
>> Giờ làm thêm nên trao quyền thỏa ước cho chủ doanh nghiệp và người lao động
>> Đảm bảo dung hòa quyền lợi các bên khi sửa đổi Bộ luật Lao động
>> Chỗ đứng nào cho lao động thời 4.0

Đó là những nhóm nội dung đại biểu Huỳnh Thành Chung, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đưa ra khi thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) sáng 22-10 tại Hội trường Diên Hồng.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 22-10

Đại biểu Huỳnh Thành Chung phát biểu thảo luận tại Hội trường Diên Hồng sáng 22-10

Theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, dự thảo luật bổ sung “chứng chỉ lưu ký là loại hình chứng khoán là hoàn toàn phù hợp yêu cầu thị trường và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài và các công ty chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc định nghĩa “chứng chỉ lưu ký” như trong dự thảo là không rõ ràng và chưa phù hợp. Trong các điều luật còn lại trong dự thảo không quy định chi tiết về thủ tục, điều kiện phát hành, cơ chế giao dịch, kiểm soát từ phía Nhà nước đối với loại chứng khoán đặc biệt này. Như vậy, nếu không có cơ chế pháp lý cho loại chứng khoán mới này thì chứng chỉ lưu ký sẽ không có “đất sống”.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung chỉ ra nhiều quy định trong Luật Chứng khoán (sửa đổi) còn mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp. Điển hình như quy định trong điều 72. Theo quy định của điều này, chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký doanh nghiệp dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần là chưa hợp lý. Bởi vì, Luật Doanh nghiệp năm 2014 xác định rất rõ “chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền”. Do vậy, chi nhánh không thể nào là một pháp nhân theo đúng quy định của pháp luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh dự thảo Luật cho phù hợp hơn.

Về giao dịch cổ phiếu quỹ, đại biểu Huỳnh Thành Chung cho rằng, bản chất của giao dịch cổ phiếu quỹ là một hoạt động tài chính bình thường, miễn sao tuân thủ nguyên tắc công bằng, minh bạch và không gây thiệt hại cho thị trường và nhà đầu tư. Do vậy, phải thiết kế khung pháp luật chi tiết, khoa học để triệt tiêu các mặt trái và tác động phụ của giao dịch này.

Đối với quy định chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá, theo đại biểu Huỳnh Thành Chung, đây làmột điểm tích cực so với luật hiện hành. Điều này giúp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp tục thực hiện huy động vốn thực để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và phát triển. Việc cho phép chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá còn phản ánh đúng bản chất của doanh nghiệp, đúng quy luật cung cầu trên thị trường chứng khoán cũng như nền kinh tế khi giá chào bán cổ phiếu của doanh nghiệp sát hơn, phù hợp với giá thị trường. Tuy nhiên, việc quy định cho phép doanh nghiệp chào bán cổ phiếu thấp hơn mệnh giá dẫn đến mâu thuẫn với Luật Doanh nghiệp về quy định đảm bảo vốn điều lệ… Vì vậy cần xem xét tiếp tục quy định như dự thảo hay xem xét sửa lại theo luật doanh nghiệp.

Đại biểu Huỳnh Thành Chung cũng đề nghị việc quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán cần hợp lý hơn. Theo đại biểu, việc tăng mức phạt tiền không phải là biện pháp duy nhất ngăn chặn hành vi vi phạm, mà cần phải có cơ chế thu hồi toàn bộ các lợi ích mà tổ chức, cá nhân có được từ hành vi vi phạm.

“Dù trong luật đã đưa lên mức phạt gấp 10 lần thu nhập có được, tuy nhiên trong trong thực tế có những lúc doanh nghiệp không trực tiếp vi phạm, không thu lợi trực tiếp mà hiệu quả được đẩy ra một doanh nghiệp khác hoặc người thứ ba được hưởng. Vì vậy, trong luật cần quy định rõ hơn trong trường hợp vi phạm mà có thu nhập dù trực tiếp hay không trực tiếp thì cũng phải có biện pháp để thu hồi”, đại biểu Chung đề xuất.

Về quy định thanh tra, kiểm tra chứng khoán, đại biểu đề xuất bổ sung cơ chế để nhà đầu tư không chuyên nghiệp, nhà đầu tư nhỏ, cổ đông thiểu số tự giám sát và tự bảo vệ sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn. Vì bản chất của chứng khoán cần phân lập ra nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc không chuyên nghiệp.

Thị trường chứng khoán cũng phải xác định là cần huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ trong dân, nên cần có thêm một khung thiết chế để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ để huy động vốn nhàn rỗi đưa vào thị trường chứng khoán để thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

Trần Thể

Xem thêm: Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

>> Kỳ vọng của cử tri
>> Quốc hội cho ý kiến lần cuối vào dự án Bộ luật Lao động sửa đổi
>> [Video] Luật chứng khoán phải có khung thiết chế huy động vốn nhàn rỗi
>> Toàn văn Thông cáo số 01 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV
>> [Infographics] Những nội dung chính của kỳ họp thứ 8 QH khóa XIV

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/luat-chung-khoan-phai-co-khung-thiet-che-huy-dong-nguon-von-nhan-roi-321416