Luật Chứng khoán tạo sự chủ động của Chính phủ trong tổ chức điều hành hoạt động của thị trường
Sáng nay (22/10), Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi). Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - đoàn Hà Tĩnh đã đóng góp một số ý kiến góp phần nâng cao chất lượng, tính khả thi của dự án luật.
Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi) đã tập trung giải quyết những vấn đề đang vướng mắc hiện nay như chất lượng hàng hóa đầu vào của thị trường, hành vi thao túng giá, chống giao dịch nội gián, cải cách hành chính nâng cao hiệu quả công tác tổ chức vận hành, quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Vì vậy, theo đại biểu việc sửa đổi Luật Chứng khoán trong thời điểm này là cần thiết, vừa bảo đảm hội nhập kinh tế quốc tế, vừa đảm bảo có sự quản lý của nhà nước, phát huy được năng lực, sức khỏe của nền tài chính quốc gia.
Tham gia thảo luận, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đã đề xuất 5 ý kiến khá sâu sắc và cụ thể nhằm hoàn thiện thể chế, ổn định môi trường pháp lý, bảo đảm cho sự phát triển ổn định, bền vững, an toàn của thị trường chứng khoán.
Trước hết về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, quy định tại Điểm b Khoản 17 Điều 4, dự thảo Luật: “Công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng hoặc tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam”. Đại biểu thể hiện sự băn khoăn đối với quy định này vì việc quy định các doanh nghiệp có vốn lớn hoặc doanh nghiệp niêm yết là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có thể là chưa hợp lý.
Ví dụ, các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa có vốn trên 100 tỷ hoặc đã niêm yết nhưng chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất không thể gọi là nhà đầu tư có năng lực hay chuyên môn về chứng khoán để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được. Quy định này dẫn đến việc gần như các nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán đều là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Tương tự tại Điểm d Khoản 17 Điều 14 quy định: “Cá nhân nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch có giá trị tối thiểu hai (02) tỷ đồng Việt Nam theo xác nhận của công ty chứng khoán tại thời điểm cá nhân đó xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, quy định này dẫn đến sẽ có vô số nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Với đặc thù ở Việt Nam, việc rút tiền mặt cho cá nhân trở nên dễ dàng, chỉ cần doanh nghiệp rút tiền đưa cho cá nhân nộp vào tài khoản chứng khoán trên 2 tỷ trở thanh nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (có ưu thế được tham gia vào các đợt phát hành riêng lẻ theo Điều 30, được chuyển nhượng cổ phần). Sau đó, khi người này bán hết cổ phần và rút tiền thì lại không còn là nhà đầu tư chứng khoán chuyển nghiệp.
Thứ hai, về hồ sơ đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng của công ty đại chúng quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 17, gồm có: “Báo cáo sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán gần nhất được kiểm toán xác nhận”. Đại biểu cho rằng, cần làm rõ thời gian báo cáo kiểm toán thu được cho đợt chào bán gần nhất trong vòng 5 năm vì với các trường hợp tăng vốn từ thời điểm rất lâu trong quá khứ, sau đó đăng ký đại chúng và chào bán cho cổ đông hiện hữu thì việc kiểm toán vốn này là không khả thi.
Thứ ba, về chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng, dự thảo Luật quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp và pháp luật có liên quan. Do đó, cần xác định rõ quy định pháp luật làm căn cứ hướng dẫn triển khai thực hiện.
Theo đại biểu, trái phiếu là một loại chứng khoán nên cần phải quy định tại pháp luật về chứng khoán, tương tự như Luật Doanh nghiệp quy định doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng nhưng hướng dẫn cụ thể việc vay và cho vay phải được quy định tại pháp luật về ngân hàng.
Do việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty đại chúng và công ty không đại chúng là như nhau nên để đảm bảo tính thống nhất thì đề nghị quy định chào bán trái phiếu riêng lẻ của tổ chức phát hành không phải là công ty đại chúng tương tự như công ty đại chúng và phải được quy định tại cả Luật Chứng khoán và Luật Doanh nghiệp. Quy định như vậy là phù hợp và đảm bảo thống nhất, liên thông giữa cả 02 luật. Luật Doanh nghiệp quy định loại hình doanh nghiệp gì, như thế nào thì được quyền phát hành trái phiếu. Luật Chứng khoán sẽ quy định cụ thể chi tiết hoạt động chào bán riêng lẻ vì trái phiếu là một loại chứng khoán.
Thứ tư, đối với quy định về chào bán chứng khoán riêng lẻ của công ty tại Điểm b Khoản 1 Điều 30, dự thảo luật: “Đối tượng tham gia đợt chào bán bao gồm nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp”, đại biểu tỏ rõ quan điểm không nên yêu cầu trái phiếu riêng lẻ phải do nhà đầu tư chuyên nghiệp hoặc nhà đầu tư chiến lược chào bán. Bởi thực tế, nếu quy định như thế rất hạn chế khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng như cơ hội đầu tư của các đối tác, do việc doanh nghiệp cho nhau vay vốn tương đối rủi ro, việc cho phép doanh nghiệp đầu tư vào trái phiếu của các doanh nghiệp khác sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển cho thị trường và doanh nghiệp.
Cuối cùng, về mô hình tổ chức và hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán (quy định tại Điều 42 và Điều 43, dự thảo luật), theo đại biểu, luật cần quy định mang tính định hướng và cần tạo sự chủ động cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức điều hành hoạt động của thị trường. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/QĐ-TTg ngày 7/10/2019 về sắp xếp lại các sở giao dịch chứng khoán theo định hướng thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và tổ chức theo mô hình công ty mẹ, con.
Việc thành lập công ty mẹ, con là hoạt động bình thường của doanh nghiệp và do chủ sở hữu quyết định theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Bởi vậy cần có thời gian đánh giá hiệu quả hoạt động của mô hình này để phù hợp với sự phát triển và thông lệ quốc tế. Từ đó, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định như luật hiện hành là Sở giao dịch chứng khoán và giao Thủ tướng Chính phủ quy định cụ thể.
Phạm Nghĩa – Thúy An