Luật cư trú mới xóa bỏ sự khác biệt trong đăng ký hộ khẩu
Từ 1/7/2021, Luật cư trú mới được áp dụng xóa bỏ rào cản phân biệt về nhập khẩu, tạo sự thống nhất trên toàn quốc, rút ngắn thời gian và góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Theo Luật Cư trú 2020 mới, công dân nhập khẩu vào các thành phố trực thuộc Trung ương cũng giống như nhập khẩu vào các tỉnh khác, không có sự phân biệt và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Hiện nay, số lượng người ngoại tỉnh đến các thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn. Việc đơn giản hóa điều kiện nhập khẩu từ ngày 1/7/2021 sẽ giúp người dân dễ dàng làm thủ tục nhập hộ khẩu hơn, không bị yêu cầu xác nhận đăng ký tạm trú.
Người dân có thể đăng ký thường trú thuận tiện, dễ dàng hơn, thời gian cũng rút ngắn xuống không quá 7 ngày. Thậm chí, những người thuê nhà, mượn, ở nhờ tại các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó nếu đáp ứng được các điều kiện.
Nhiều người kỳ vọng, những quy định mới của pháp luật đang được người dân ủng hộ sẽ góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Anh Bùi Quang Dũng (quê ở Thạch Thất, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng anh buôn bán nhỏ lẻ tại Hà Nội đã hơn 10 năm nay, thu nhập khoảng gần 11 triệu đồng/tháng. Với số tiền tích cóp được trong nhiều năm, đến nay, anh chị đã để dành được một khoản kha khá để mua nhà. Nếu như trước đây, tại Hà Nội, theo Điều 19 Luật Thủ đô, nếu muốn đăng ký thường trú tại thành phố Hà Nội thì phải tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, thì nay, Luật Cư trú năm 2020 đã xóa điều kiện trên khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương.
Như vậy, tới đây, khi mua nhà, vợ chồng anh Dũng đã có thể nhập khẩu tại Hà Nội một cách dễ dàng. Anh Dũng cảm thấy rất vui và hài lòng với những quy định mới của Luật Cư trú 2020.
Có cùng chia sẻ như anh Dũng, chị Nguyễn Hồng Hạnh quê ở Hưng Yên cho biết: “Tôi làm nghề buôn bán hoa quả và thuê nhà trọ ở Hà Nội 3,4 năm nay. Mới đây, tôi đọc báo và nắm sơ qua về Luật Cư trú 2020, tôi mong rằng, tới đây, các thủ tục đăng ký tạm trú của những người lao động tỉnh lẻ sẽ nhanh gọn hơn, mất ít thời gian hơn”.
Để Luật Cư trú 2020 có sức lan tỏa và sớm đi vào cuộc sống, hiện, các cơ quan chức năng đang tăng cường tuyên truyền, phổ biến tới người dân. Tại phường Phương Liệt (Quận Thanh Xuân, Hà Nội), công an Phường bố trí sảnh tầng 1 làm nơi tiếp công dân. Bên cạnh đó, lực lượng cũng bố trí những vị trí thuận lợi để dán các thông báo, hướng dẫn cụ thể để người dân dễ nhìn thấy.
Trung tá Bùi Văn Chuyền, Phó trưởng Công an phường Phương Liệt cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Công an thành phố, Công an phường Phương Liệt đã khẩn trương chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, vật lực để phục vụ nhân dân. Từ ngày 1/7, nắm được thông tin, nhiều người dân đã đến thay đổi các thông tin liên quan tới sổ hộ khẩu, chuyển khẩu, đăng ký thường trú… Tại đây, mọi yêu cầu của công dân đều được các cán bộ, chiến sĩ công an phường tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết nhanh gọn.
Chia sẻ về luật cư trú mới, Trung tá Bùi Văn Chuyền cho hay, Luật cư trú mới đi vào cuộc sống sẽ giúp công an phường, xã thuận lợi hơn trong việc quản lý cư trú cũng như thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng, tách khẩu được tiến hành nhanh hơn. Đồng thời, rút ngắn thời gian giải quyết giấy tờ cho công dân khi đi làm việc. Điểm đặc biệt của Luật Cư trú 2020 là không có sự phân biệt về nhập khẩu, thống nhất trên toàn quốc.
Áp dụng Luật Cư trú 2020 cần có lộ trình, hạn chế bất cập
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Minh Phong, Luật cư trú mới có hiệu lực từ ngày 1/7 là một trong những luật tiến bộ, tích cực, được dư luận hoan nghênh và đồng tình cao. Luật đã thể hiện một số điểm khiến người dân rất hài lòng, đó là xóa bỏ sự khác biệt trong đăng ký hộ khẩu của một số địa phương đặc thù như Hà Nội, TP.HCM, tạo sự bình đẳng cho công dân giữa các địa phương trong vấn đề đăng ký hộ khẩu cũng như nhập khẩu.
Các quy trình, thủ tục đặt ra và thời gian để xử lý các quy trình trong Luật này cũng được rút gọn, rút ngắn tới một nửa thời gian. Điều này giúp người dân giảm thiểu chi phí và thời gian chờ đợi trong quá trình triển khai thủ tục. Cùng với đó, khi hoàn thiện thủ tục đăng ký hộ khẩu, người dân không cần sử dụng nhiều giấy tờ, kể cả hộ khẩu giấy hay chứng minh thư…, chỉ cần có mã số định danh công dân hoặc mang căn cước công dân là có thể giải quyết được.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Phong, với Luật Cư trú mới, các quy định liên quan đến vấn đề thu hồi hộ khẩu, các quy định xóa hộ khẩu cũng được định ra rõ ràng và tương đối phù hợp với tình hình thực tế của người dân. Tuy nhiên, vấn đề này nên cân nhắc, nhất là việc xóa hộ khẩu thường trú của một bộ phận dân cư nào đó khi đăng ký tạm trú ở nơi mới.
Bởi người dân đi khỏi địa phương để làm ăn, đi đến đâu thì đăng ký tạm trú ở nơi đó, khi thông báo về địa phương thì báo cho ai, báo như thế nào… điều này không dễ dàng. Trong khi ở địa phương, thấy người dân đã đi khỏi địa phương làm ăn, không báo về, khi họ trở về lại bị cắt hộ khẩu, điều này gây thiệt thòi cho quyền lợi của người dân cũng như tạo nhiều hệ lụy phức tạp khi họ muốn nhập khẩu trở lại. Do đó, cơ quan chức năng cần thận trọng, tránh việc tạo bất lợi cho người dân có hộ khẩu tại địa phương trong quá trình thuyên chuyển lao động, nhất là trong bối cảnh công việc của người lao động gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay khi thực hiện Luật Cư trú 2020 là tuyên truyền cho người dân nắm được nội dung và thực hiện các yêu cầu, quy định. Khó khăn thứ 2 là để cho người dân thực hiện, tuân thủ các quy định về cắt thường trú ở địa phương nhưng phải đăng ký ở chỗ khác hoặc thông báo tạm trú. Về mặt logic, điều này là quy định từ cơ quan chức năng, về mặt thực tế là rất khó đối với người dân. Khi đã khó với người dân thì chắc chắn hiệu lực, hiệu quả và giá trị triển khai của luật này sẽ bị giảm.
“Tôi cho rằng, cần có thời gian để tuyên truyền rộng rãi, phổ biến thật chi tiết, rõ ràng các quy định tới người dân. Cần xem lại các quy định, tránh vội vàng, áp chế hoặc rút ngắn thời gian quá mức, đặc biệt là việc cắt hộ khẩu thường trú của người dân địa phương khi đi làm ăn ở xa. Đây là một trong những điều cực kỳ quan trọng đối với hàng chục triệu người lao động Việt Nam, nhất là ở vùng quê trong quá trình dịch chuyển lao động mạnh mẽ như hiện nay. Tóm lại, cần có sự điều chỉnh để phù hợp và bảo vệ tốt quyền lợi người lao động, của công dân”, TS. Nguyễn Minh Phong cho hay./.