Luật Đất đai 2024: Phát huy tốt hơn nguồn lực đất đai tại TP.HCM
Mới đây, Quốc hội vừa thông qua Luật Đất đai sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025. Trong đó, có 9 điểm mới đáng chú ý và được các chuyên gia, doanh nghiệp tại TP.HCM đánh giá có nhiều tác động tới người dân, doanh nghiệp và thị trường nhà đất.
Nhiều tác động tích cực
Ông Nguyễn Duy Thành, Tổng Giám đốc Công ty quản lý Nhà Toàn Cầu (Global Home) cảm thấy ấn tượng với việc bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Đây là điều quan trọng nhất trong Luật Đất đai (sửa đổi). Về cơ bản, những người sở hữu đất sẽ có lợi hơn, doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ dễ dàng hơn để giải phóng mặt bằng theo cơ chế thị trường.
“Điều tích cực đầu tiên là tăng nguồn thu ngân sách, thứ hai là đảm bảo quyền lợi hợp pháp của những chủ sở hữu bất động sản. Như vậy, giá đất sẽ tiệm cận giá thị trường, tạo sự minh bạch trong giao dịch bất động sản”, ông Thành nói.
Theo ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Công ty Savills Việt Nam, việc thông qua Luật Đất đai sửa đổi có tác động rất nhiều đến các vướng mắc lâu nay của doanh nghiệp là tiền sử dụng đất. Đặc biệt, bất động sản nhà ở sẽ chịu tác động rõ nét. Thời gian qua, nguồn cung nhà ở tại TP.HCM ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm.
Ông Khương kỳ vọng vào việc tháo gỡ pháp lý, tạo đà cho thị trường khởi sắc hơn: “Nếu giải quyết được vấn đề về luật thì thị trường bất động sản sẽ phát triển bền vững. Chúng ta thông qua Luật Đất đai thì vấn đề là định hướng sản phẩm thị trường đi đúng với đại bộ phận người dân”.
Tạo thuận lợi cho xã hội
Luật Đất đai sửa đổi vừa được thông qua thể hiện rõ việc lấy người dân làm trung tâm. Theo đó, có nhiều nội dung được quy định theo hướng bảo vệ tối đa lợi ích của người dân. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đánh giá cao nội dung phân cấp, phân quyền rõ nét, nâng cao trách nhiệm của địa phương: “Chính là quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất đủ điều kiện cấp giấy. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, không đợi cá nhân, hộ gia đình có đơn xin yêu cầu mới được cấp như trước đây”.
Tại TP.HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường còn gặp vướng mắc trong công tác xác định giá đất cụ thể. Với những dự án trước Luật Đất đai 2013, dữ liệu liên quan bị hạn chế, có thể mất từ 6 tháng đến 1 năm để cơ quan chức năng thu thập đủ thông tin, gây kéo dài thời gian tính toán.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM kỳ vọng các vướng mắc, khó khăn của ngành sẽ có hướng xử lý thuận lợi hơn: “Kỳ vọng rất nhiều vấn đề mới được giải quyết, ví dụ như có 18 trường hợp cụ thể được phép thu hồi đất, quy định các phương pháp thẩm định giá đất... Cộng thêm 10 nội dung trong Nghị quyết 98 đã tham mưu cho UBND TP, như vậy điều kiện thực hiện của năm 2024 sẽ thuận lợi hơn”.
Với một địa phương trọng điểm về kinh tế như TP.HCM, đất đai là nguồn lực đặc biệt cần tận dụng và phát huy triệt để. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, phối hợp với các địa phương sửa đổi quy định cho phù hợp thực tiễn.