Luật Đất đai 2024: 'Tôn trọng quyền lợi người dân, coi nhân dân là gốc rễ'

Luật Đất đai năm 2024 đã chuyển các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đặt ngay sau chương quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai.

Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về đất đai, có mối quan hệ với nhiều quy định khác của pháp luật.

Luật Đất đai 2024 coi người dân là trung tâm của chính sách

Phát biểu tại Hội thảo"Nâng cao hiệu quả thi hành Luật Đất đai: Chống lãnh phí và vi phạm trong sử dụng đất công" do Hội Luật gia Việt Nam tổ chức, ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết Luật Đất đai năm 2024 đã chuyển các quy định về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đặt ngay sau chương quy định về quyền và trách nhiệm của nhà nước, công dân đối với đất đai và nằm trước các quy định về quản lý hành chính nhà nước về đất đai.

"Điều này thể hiện thể hiện sự tôn trọng quyền lợi của người dân, coi nhân dân là gốc rễ, là nền tảng, là trung tâm của chính sách", ông Bình khẳng định.

Trong đó, vị lãnh đạo cho rằng điểm mới đáng chú ý nhất của Luật Đất đai 2024 là đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về hành vi bị nghiêm cấm đối với cơ quan, người có thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai.

Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Ông Lê Văn Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường.

Cụ thể, đối với cơ quan, người có thẩm quyền, ngoài nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định của pháp luật về quản lý đất đai, không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông tin đất đai không chính xác... thì đã bổ sung nghiêm cấm đối với các hành vi: không đáp ứng yêu cầu về thời hạn theo quy định của pháp luật; không ngăn chặn, không xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đất đai; vi phạm chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; và phân biệt đối xử về giới trong quản lý, sử dụng đất đai.

Đặc biệt, Luật Đất đai năm 2024 còn làm rõ trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu về đất đai; phân biệt rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai.

Bên cạnh đó phân cấp thẩm quyền gắn với kiểm soát, giám sát việc thực hiện, đảm bảo quản lý thống nhất từ Trung ương đến địa phương; trách nhiệm và những đảm bảo của Nhà nước đối với người sử dụng đất…

Người thực hiện hành vi vi phạm trong quản lý đất đai thường có trình độ chuyên môn cao

Phát biểu tại Hội thảo, ThS. Võ Văn Tài - Trưởng khoa KSHS, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Tp.Hồ Chí Minh cho biết hiện nay đang nổi lên loại tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai, cần được nhận diện, đánh giá, ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc kịp thời.

Ông Tài nêu có nhiều trường hợp vì chạy theo lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, các chủ thể thực thi công vụ trong lĩnh vực trên đã bất chấp pháp luật để làm những việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự quản lý của Nhà nước về đất đai, gây ra thất thoát, thiệt hại rất lớn đối với nguồn tài nguyên quý giá của quốc gia, làm chậm quá trình phát triển của nền kinh tế - xã hội của đất nước.

Vị chuyên gia nêu qua nghiên cứu thực tiễn xử lý hình sự đối với tội phạm liên quan đến quản lý Nhà nước về đất đai trong những năm qua, hiệu quả của hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm trên ngày càng được nâng lên, góp phần tích cực cho quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm.

ThS. Võ Văn Tài - Trưởng khoa KSHS, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Tp.Hồ Chí Minh.

ThS. Võ Văn Tài - Trưởng khoa KSHS, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại Tp.Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được, thì hoạt động truy cứu trách nhiệm hình sự cũng bộc lộ những bất cập, thiếu sót, làm ảnh hưởng đến chất lượng của công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

Những hạn chế, thiết sót xảy ra ở nhiều giai đoạn trong quá trình xử lý tội phạm như: Việc điều tra, làm rõ hành vi phạm tội đôi khi còn chưa toàn diện và chưa làm rõ được bản chất của hành vi; việc truy tố, xét xử và áp dụng pháp luật hình sự để xử lý hành vi phạm tội liên quan công tác quản lý đất đai còn chưa phù hợp với quy định của pháp luật…

Một khó khăn nữa là xác định động cơ của người phạm tội. Nếu chứng minh người vi phạm có động cơ, gây thiệt hại thì xử lý là thuyết phục. Nhưng nếu vì nhận thức hạn chế, không có động cơ bất chính, nếu điều tra, truy tố thì thực sự không hợp lý.

Những căn cứ trên cho thấy việc phân tích, làm rõ hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai có phải là tội phạm hay không là việc làm rất khó khăn.

"Người thực hiện hành vi vi phạm thường có trình độ chuyên môn cao, có chức vụ, quyền hạn nên đa số họ biết vận dụng các quy định của pháp luật và chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý, sử dụng đất đai và tình hình thực tiễn của địa phương để lý giải về sự hợp lý của quyết định, hành vi mà họ đã thực hiện", ông Tài nêu.

Để khắc phục những bất cấp vừa nêu, ThS. Võ Văn Tài nêu việc phân tích những dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm liên quan lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai là rất cần thiết, giúp cho quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, không làm oan sai và bỏ lọt tội phạm.

Nâng cao vai trò giám sát, phát hiện vi phạm của các cơ quan báo chí

Nêu quan điểm về quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan quản lý, TS. Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng cần tăng cường giám sát của các cơ quan như Quốc hội, HĐND các cấp.

"Cần giám sát triệt để, giám sát sâu vào từng vấn đề sai phạm. Thường hiện nay giám sát còn mang tính hình thức, còn thể hiện nhiều điểm bất cập", ông Hiển nêu.

Bên cạnh đó, ông Hiển cũng cho rằng cần nâng cao vai trò của các cơ quan báo chí không chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền pháp luật mà cần được bổ sung thêm vai trò phát hiện vi phạm, tham gia vào việc giám sát sai phạm trên thị trường đất đai.

TS. Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật.

TS. Bùi Đức Hiển – Viện Nhà nước và Pháp luật.

Cùng với đó, vị chuyên gia cho rằng cần phân định rõ trách nhiệm thanh tra và quản lý đất đai.

"Thanh tra hiện nay đặt trong các cơ quan hành chính nhà nước, mà các cơ quan hành chính nhà nước lại chính là cơ quan quản lý đất đai. Như vậy là vừa quản lý vừa thanh tra cho chính mình thì đòi làm thế nào để việc thanh tra hoạt động độc lập?

Cần có cơ chế để cơ quan thanh tra có thể thực sự phát huy được vai trò của mình, thực sự tham mưu cho UBND để đưa ra quyết sách sáng suốt nhất trong lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai", ông Hiển nói.

Cuối cùng, vị chuyên gia rất tán thành ý kiến của ThS. Võ Văn Tài về việc phải kịp thời nắm bắt xử lý sai phạm, đặc biệt là các sai phạm hình sự cần được thực thi hiệu quả theo quy định đề ra trong Luật.

Hồng Nhung - Hoàng Bích - Hữu Thắng

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/luat-dat-dai-2024-ton-trong-quyen-loi-nguoi-dan-coi-nhan-dan-la-goc-re-204240823131837104.htm