Luật Đất đai mới - vẫn phải chờ

Mặc dù được đông đảo cử tri mong đợi, song dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2013 vẫn chưa thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 (giữa năm nay), một thành viên Đoàn giám sát chuyên đề thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai của Quốc hội cho biết.

Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng chưa thống nhất.

Thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng chưa thống nhất.

Lấy làm tiếc về điều này, ông nói, nhiều quy định của Luật Đất đai hiện hành (có hiệu lực từ 1-7-2014) xung đột với các quy định tại nhiều luật khác (như Luật Đấu thầu, Luật Lâm nghiệp, Luật Đầu tư công...).

Một ví dụ khá điển hình là việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu giá đất, đấu thầu dự án có gắn liền với quyền sử dụng đất. Cả Luật Đất đai và Luật Đấu thầu hiện hành đều không quy định rõ đối với một mảnh đất, trường hợp nào thì đấu giá quyền sử dụng đất và xác định chủ đầu tư theo hình thức đấu giá, trường hợp nào thì đấu thầu để xác định chủ đầu tư. Bên cạnh đó, thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư theo quy định tại Luật Đất đai và Luật Đầu tư cũng chưa thống nhất.

Theo quy định tại Luật Đầu tư, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất, không phân biệt loại đất được chuyển. Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng thì điều kiện cho phép chuyển mục đích sử dụng đất là phải có nghị quyết của HĐND cấp tỉnh. Đối với dự án sử dụng đất tại đảo và xã phường, thị trấn biên giới, ven biển thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ được quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất khi được sự chấp thuận bằng văn bản của các bộ, ngành có liên quan.

Từ đây, những vướng mắc nảy sinh. Chẳng hạn, những dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì thẩm quyền quyết định thuộc UBND hay HĐND? UBND chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư, nhưng không có nghị quyết của HĐND thì giải quyết thế nào? Đối với những dự án đầu tư có đề xuất chuyển mục đích dưới 10ha đất trồng lúa, dưới 20ha đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng tại đảo, xã phường, thị trấn biên giới, ven biển thì sẽ phải xin chấp thuận của bao nhiêu cơ quan?

Tương tự, trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, để được thuê đất thực hiện dự án, Luật Đất đai quy định các doanh nghiệp phải đàm phán để chuyển nhượng từ các hộ gia đình rồi sau đó mới quay lại làm việc với Nhà nước để thuê đất, rất mất thời gian, trong khi vẫn có rủi ro là dự án không được triển khai và công lao đàm phán của nhà đầu tư với người dân bị đổ sông đổ biển. Hay tài chính đất đai, cụ thể là giá đất, cũng là một vướng mắc cực lớn cần sớm được tháo gỡ, xuất phát từ việc bảng giá đất (được địa phương xây dựng trên cơ sở khung giá của Chính phủ) vẫn có khoảng cách rất lớn với thị trường.

Vẫn còn đó nhiều vấn đề cần tiến hành sửa Luật Đất đai để tạo cơ sở xử lý rốt ráo.

ANH THƯ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/luat-dat-dai-moi-van-phai-cho-656667.html