Luật Đất đai: Quá nhiều bất cập, nếu không sửa sớm sẽ làm nguồn cung suy giảm
Nhiều chuyên gia nhận định, việc Chính phủ sớm sửa đổi Luật Đất đai 2013 tạo ra một bước đột phá trên thị trường, vừa giải quyết được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng của hàng trăm dự án nhà ở, vừa làm tăng nguồn cung trên thị trường.
Luật Đất đai lại chuẩn bị được sửa đổi
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký ký ban hành Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Kế hoạch nêu rõ, việc tổng kết phải được thực hiện nghiêm túc, khách quan và toàn diện trên phạm vi toàn quốc, triển khai đến từng Bộ, ngành và các địa phương; bảo đảm tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm.
Nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế; dựa trên kết quả đánh giá, tổng kết của Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời tham khảo ý kiến đánh giá của công dân, tổ chức, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Tổng kết thi hành Luật Đất đai tập trung các nội dung cơ bản như: Đánh giá chồng chéo, mâu thuẫn và không thống nhất giữa Luật Đất đai năm 2013 với Luật chuyên ngành có liên quan và sự phù hợp; kết quả tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; đánh giá những kết quả đạt được của Luật Đất đai và thực tiễn thi hành trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về đất đai; những hạn chế, bất cập trong các quy định của Luật Đất đai, các văn bản quy định chi tiết thi hành và thực tiễn tổ chức thực hiện quy định của Luật; xác định và phân tích rõ nguyên nhân khách quan và chủ quan của những hạn chế, bất cập đó.
Bên cạnh đó, đề xuất, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung những nội dung của Luật Đất đai và các pháp luật khác có liên quan.
Về xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Phó thủ tướng chỉ đạo thông qua kế hoạch và tiến độ xây dựng Luật Đất đai sửa đổi; xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo quy định và tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan; hoàn thiện hồ sơ và gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ và hoàn thiện hồ sơ để Chính phủ trình Quốc hội.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và Tổ chuyên gia liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Quy chế này quy định cụ thể nguyên tắc, phạm vi trách nhiệm, chế độ làm việc; cơ chế điều hành, chế độ họp, thông tin, báo cáo và điều kiện đảm bảo hoạt động của Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên gia liên ngành giúp việc cho Ban Chỉ đạo.
Trong suốt năm 2020, trong các hội thảo, tọa đàm, nhiều chuyên gia liên tục hối thúc Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Luật Đất đai đang mâu thuẫn, chồng chéo lên tất cả các điều luật khác liên quan tới thị trường bất động sản, như Luật Đầu tư, Luật Kinh doanh, Luật Xây dựng,...
Các mâu thuẫn này khiến các tỉnh, thành phố chần chừ phê duyệt dự án mới, khiến nguồn cung suy giảm nghiêm trọng.
Trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), việc Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đồng bộ với việc triển khai thực hiện Luật Đầu tư 2020, Luật Xây dựng (sửa đổi) 2020 (các Luật này có hiệu lực từ 01/01/2021), thì sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc, ách tắc về thủ tục đầu tư xây dựng của hàng trăm dự án nhà ở, góp phần thực hiện "mục tiêu kép" mà Thủ tướng Chính phủ đã đề ra là vừa phòng chống đại dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế vững chắc.