Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể hóa vấn đề nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc

Ủy ban Dân tộc đề nghị thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế.

Ngày 28/3, tại tỉnh Gia Lai, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã phối hợp với UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Tham gia Hội thảo có đại diện lãnh đạo 4 tỉnh: Gia Lai, Đắk Lăk, Đăk Nông và Kon Tum.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tham luận đề xuất, góp ý các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên; nêu thực trạng và những khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông-lâm trường, đất rừng giao lại cho địa phương và giao cho cộng đồng dân cư, các hộ dân tộc thiểu số thiếu đất ở, đất sản xuất; những vấn đề đặt ra cho công tác xây dựng giá đất ở cấp huyện; thực trạng lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất…

Quang cảnh Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tây Nguyên. Ảnh: Phúc Lâm.

Quang cảnh Hội thảo góp ý về chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Tây Nguyên. Ảnh: Phúc Lâm.

Ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết: Đặc điểm chung tại các tỉnh Tây Nguyên, hiện đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Riêng tỉnh Gia Lai có chỉ đạo thu hồi đất lấn chiếm để trả về trồng rừng nhưng để xác định được ranh giới rất khó khăn. Vì vậy tỉnh Gia Lai, mong muốn nhận được sự hỗ trợ về mặt kinh phí từ phía Trung ương sử dụng cho việc đo đạc, cấp giấy quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, tỉnh Gia Lai đề xuất tại Điều 180 dự thảo Luật Đất đai về hạn mức giao đất hàng năm là 2,0 ha; đất cây lâu năm là 30 ha: đối với các xã trung du, miền núi – tương ứng với vùng Tây Nguyên, hạn mức đất cây hàng năm quá ít cần tăng diện tích này lên để thúc đẩy phát triển kinh tế, sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Về công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, ông A Byot – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum, nêu rõ: Hiện nay, nhu cầu về đất của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng tăng, trong khi quỹ đất tại các địa phương để giải quyết và bố trí cho người dân không còn nhiều. Tỉnh Kon Tum đã có chủ trương giãn dân ra các khu vực đất của các nông, lâm trường chuyển giao của địa phương, nhưng đến nay hầu như các địa phương trong tỉnh đều vướng phải việc không thể lập phương án, quy hoạch sử dụng đất.

Nguyên nhân do thiếu kinh phí đo đạc diện tích đất đai, thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật về đất đai và các quy định pháp luật về lập quy hoạch ngành lĩnh vực có sử dụng đất.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phúc Lâm

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội Nguyễn Lâm Thành phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Phúc Lâm

Đối với giá đất và bảng giá đất, bà Siu Hương – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cho rằng: Theo dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bảng giá đất tại Điều 154, khoản 1 dự thảo quy định “Bảng giá đất được xây dựng định kỳ hàng năm được công bố công khai và áp dụng từ ngày 01 tháng 01 của năm”. Đây là một quy định tốn quá nhiều công đoạn, theo quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở chính quyền địa phương.

“Do đó, trên cơ sở quy định pháp luật và kế hoạch kinh tế - xã hội, tôi đề xuất bản giá đất cần ban hành theo 5 năm hoặc 10 năm theo chương trình kế hoạch kinh tế -xã hội Chính phủ ban hành hoặc theo quy định Luật Đất đai quy định về quy hoạch, kế hoạch đất 5 năm hay 10 năm và có sự điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch trong từng năm.” – bà Siu Hương nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu các tỉnh Tây Nguyên cũng đã tham gia góp ý và đề xuất Quốc hội tiếp tục nghiên cứu bổ sung cơ chế, chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong Điều 17 và các điều, khoản quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để phù hợp với điều kiện thực tiễn hiện nay.

Tham gia góp ý tại Hội thảo, Tiến sĩ Lê Sơn Hải – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm đến vấn đề hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bảo dân tộc thiểu số còn chậm, hiệu quả chưa cao, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Để thực hiện hiệu quả chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung, các tỉnh Tây Nguyên nói riêng, khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế trong những năm qua, Ủy ban Dân tộc đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu chỉnh lý khoản 1 Điều 17 thành: “Có chính sách giao đất, hỗ trợ về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế từng vùng”.

Đặc biệt, hiện nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đã được ban hành, tổ chức thực hiện, trong đó có nội dung giải quyết vấn đề đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số. Vì vậy, trong Luật cần cụ thể hóa vấn đề nguồn lực thực hiện các chính sách dân tộc và cần quan tâm triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đất đai đối với đồng bào Tây Nguyên.

Bổ sung các quy định trong Luật nhằm tránh tránh tình trạng thâu tóm đất đai nhất là đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý diện tích đất đã được Nhà nước hỗ trợ cho người dân, tránh sau khi đất được hỗ trợ lại rao bán, tiếp tục trở thành người không có đất sản xuất.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Quàng Văn Hương đánh giá cao những ý kiến tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đã đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo gắn liền thực tiễn chính sách đất đai khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng nhấn mạnh, Dự thảo Luật đất đai có nhiều điều, khoản đề cập đến vấn đề chính sách về đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng như các vấn đề giải quyết về đất có nguồn gốc nông-lâm trường. Tuy nhiên, các điều khoản được xây dựng chưa thật sự giải quyết được các vấn đề vướng mắc, khó khăn mà các đại biểu nêu tại Hội nghị.

Do đó, đề nghị các đại biểu tiếp tục rà soát lại thực tiễn địa phương, nghiên cứu để đề xuất thêm ý kiến, đặc biệt là đối với Điều 17 về “Trách nhiệm của Nhà nước về đất đai với đồng bào dân tộc thiểu số” cần làm rõ hơn quy định thẩm quyền của quốc hội, chính phủ, trung ương, địa phương để đảm bảo toàn diện hơn; xác định rõ đất tín ngưỡng, đất được giao cho cộng đồng dân cư quản lý; chuyển đổi mục đích sử dụng đất, những quy định khi cho phép phát triển kinh tế dưới tán rừng để đảm bảo phát triển kinh tế nhưng quản lý bảo vệ rừng hiệu quả…

Trên cơ đó, ban soạn thảo sẽ chắt lọc những nội dung chính liên quan đến các quy định của pháp luật và mang tính đại diện cho vùng miền để nghiên cứu, đề xuất các chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số; đồng thời, chuyển tài liệu đến ban soạn thảo để tổng hợp và làm cơ sở hoàn thành Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Phúc Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-dat-dai-sua-doi-can-cu-the-hoa-van-de-nguon-luc-thuc-hien-cac-chinh-sach-dan-toc-248143.html