Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, bất cập

Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất cập như vấn đề xác định giá đất, công tác quản lý, trách nhiệm các địa phương, của Bộ, ban, ngành, kể cả trách nhiệm theo Nghị quyết mà Trung ương đề ra.

Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp bất thường 5, Quốc hội khóa XV, bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu thể hiện sự hài lòng khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua 2 dự án Luật và các nghị quyết, bao gồm Luật đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) và 2 Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 từ nguồn dự phòng chung.

Bế mạc Kỳ họp bất thường 5, Quốc hội khóa XV.

Bế mạc Kỳ họp bất thường 5, Quốc hội khóa XV.

Nhiều đại biểu cho rằng, đây là kỳ họp bất thường nhưng bàn về những nội dung vô cùng quan trọng về Luật đất đai và Luật các tổ chức tín dụng, 2 luật có tác động mạnh mẽ và ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và ổn định của nền kinh tế.

Chỉ trong 3,5 ngày, Quốc hội đã nỗ lực, tích cực, làm việc nhiều phiên, xem xét, thảo luận, và thống nhất để thông qua tại kỳ họp này, hoàn thành mục tiêu đề ra. Nội dung được quan tâm nhiều nhất, đó là những vấn đề liên quan đến Luật đất đai.

Đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn Hà Nội

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Luật đất đai (sửa đổi) được thông qua sẽ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, những bất cập như vấn đề xác định giá đất, công tác quản lý, trách nhiệm các địa phương, của Bộ, ban, ngành, kể cả trách nhiệm theo Nghị quyết mà Trung ương đề ra.

"Bây giờ quan trọng là cụ thể hóa của Chính phủ bằng các Nghị định và các thông tư hướng dẫn của các Bộ thì chắc chắn sẽ hiệu quả hơn”, đại biểu Trương Xuân Cừ cho biết.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận (Đoàn Yên Bái) cho rằng, việc thông qua Luật đất đai (sửa đổi) tạo nhiều thuận lợi cho người dân vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi thực tế hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi rất thiếu đất sản xuất, trong khi đó, cơ chế chính sách về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số hiện nay chưa đầy đủ, dẫn đến rất khó khăn cho địa phương trong việc bố trí đất ở, đất sản xuất.

"Với việc sửa đổi lần này của Luật đất đai sẽ tạo những hành lang pháp lý, những cơ chế thuận lợi hơn cho các địa phương trong việc sắp xếp, bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào, tạo điều kiện cho đồng bào có được tư liệu sản xuất để phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội”, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết.

Theo đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai), sau khi các dự án Luật và các nghị quyết được thông qua sẽ đặt ra cho Chính phủ và các cơ quan thực thi nhiều nhiệm vụ nhằm triển khai hợp lý, khoa học và khả thi:

Đại biểu Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai

“Đến thời điểm này, chúng ta có thể yên tâm rằng những tư tưởng lớn, những vấn đề lớn mà Nghị quyết 18 đặt ra thì Luật đất đai đã xử lý được, nhưng khi thực thi thế nào thì cần phải có quá trình hướng dẫn, nhất là những vấn đề như Chủ tịch Quốc hội đặt ra trong phiên bế mạc, không phải áp dụng Luật đất đai là đã xử lý được ngay mà cần phải có một quy định hướng dẫn chi tiết, đó là trách nhiệm đặt ra rất nặng nề cho các cơ quan trong thời gian tiếp theo cho đến khi luật có hiệu lực”, đại biểu Trịnh Xuân An bày tỏ.

Kim Thanh/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/chinh-tri/luat-dat-dai-sua-doi-duoc-thong-qua-se-thao-go-nhieu-kho-khan-bat-cap-post1072438.vov