Luật Đất đai sửa đổi: Không thể giữ chiếc áo quá chật
Trao đổi với ĐTTC, GS.TS KH ĐẶNG HÙNG VÕ, cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai lần thứ 4 như là cuộc cải cách về đất đai, với tư duy và cách tiếp cận mới. Cần thay chiếc áo đã quá chật để giải phóng nguồn lực đất đai - nguồn tư liệu sản xuất quan trọng.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, để chọn ra vấn đề cần làm ngay nhằm chấn chỉnh thị trường bất động sản (BĐS) sẽ là gì?
GS.TSKH ĐẶNG HÙNG VÕ: - Tôi cho rằng thuế BĐS thấp là nguyên nhân chính dẫn tới tệ nạn đầu cơ nhà đất, tích trữ tiền tiết kiệm vào nhà đất. Việc xây dựng và ban hành luật thuế BĐS phù hợp là tất yếu. Bởi thực tế trong 10 năm nay, Luật Đất đai 2013 không quy định về khái niệm “giá đất thị trường”.
“Khuyết điểm” của các cấp có thẩm quyền ban hành khung giá đất và bảng giá đất thấp hơn thị trường chỉ nhận xét chung chung, không chứng minh được ai “có lỗi”, không có khái niệm pháp luật rõ ràng về “giá đất thị trường”.
- Như ông đã từng nói, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi lần này phải tiến hành bài bản, nên xem là cuộc “cải cách” lần thứ 4 về đất đai, vậy nội hàm cụ thể ở đây là gì?
- Thời điểm này, mọi vấn đề đã chín muồi để chúng ta có thể xây dựng cuộc “cải cách” lần thứ 4 về đất đai, với mục tiêu tập trung giải phóng tư liệu sản xuất, tức đất đai, tạo điều kiện đầu tư với tầm nhìn dài hạn, nhằm phát triển bền vững nền sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao. Chúng ta đều biết nông nghiệp Việt Nam chính là điểm đầu tiên để quyết định Đổi mới.
Thời điểm đó, chúng ta đã quyết định chính sách hoàn toàn chính xác, là giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân để sử dụng ổn định lâu dài (Luật Đất đai 1993 và Nghị định 64 của Chính phủ ngày 27-9-1993). Bản chất của chính sách này chính là việc chúng ta đã giải phóng lực lượng sản xuất.
Tuy vậy, hiện cách thức giải phóng lực lượng sản xuất bằng việc thể chế hóa giao đất của hợp tác xã cho hộ dân không còn động lực để chúng ta phát triển tiếp. Vì vậy, lúc này chúng ta phải nghĩ đến chuyện tiếp tục giải phóng tư liệu sản xuất. Một trong những bước cản là hạn điền, tức mỗi người chỉ được diện tích đất nhất định, nhận chuyển nhượng cũng được diện tích đất nhất định.
- Nhưng cũng có ý kiến cho rằng việc này có thể khiến người nông dân mất đất vào tay doanh nghiệp, hình thành nên những địa chủ mới?
- Tôi không cho rằng như vậy. Trước tiên cần hiểu hạn điền là cách thức để chúng ta quản lý đảm bảo công bằng giữa mọi nông dân với nhau, để không được hình thành “địa chủ mới”, tức những người nhiều ruộng đất nhưng không trực tiếp lao động, chỉ dùng đất để thu lợi.
Từ đấy, chúng ta mới có cơ hội để tạo nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên phạm vi lớn, quy mô lớn. Chỉ có điều chúng ta phải tính toán cẩn thận từng bước đi và rất cần chính sách đồng bộ đối với đất nông nghiệp. Tôi cho rằng, đây là sự khởi động của cuộc cải cách ruộng đất mới. Chúng ta làm thay đổi quy trình và hiệu quả sử dụng đất. Có thể dùng từ “đổi mới” một lần nữa về đất đai nông nghiệp để chúng ta đạt được mục tiêu cao hơn.
Thực tế, chúng ta cũng đã cơi nới hạn điền, nhưng so với thực tế các mức hạn điền gấp 10 lần hạn mức đất nông nghiệp vẫn không đủ (Luật Đất đai 2013 cho phép các hộ gia đình được tích tụ đất đai không quá 10 lần hạn mức đất nông nghiệp - 3ha). Chúng ta cũng đã biết trường hợp ông Năm Chuối ở Long An sử dụng tới 1.000ha, trong khi theo quy định, hộ dân chỉ được tích tụ đất đai gấp 10 lần hạn mức 3ha đất nông nghiệp cho trồng cây hàng năm, nghĩa là chỉ được 30ha.
Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta dùng từ “mở rộng nữa hạn điền” cũng được, thậm chí cao hơn nữa có thể đặt vấn đề là xem xét bỏ hạn điền hay không. Còn theo cơ chế quản lý, thời hạn như luật hiện nay hết, cơ quan nhà nước phải xem xét tất cả trường hợp để quyết định gia hạn cho ai và không gia hạn cho ai. Nguy cơ tham nhũng tất yếu lại xuất hiện.
- Theo ông, phải chăng nên xem đây là lúc vấn đề đất đai cần “chiếc áo rộng hơn”?
- Tôi đồng ý với quan điểm cho rằng đã đến lúc “chiếc áo” cho Luật Đất đai sửa đổi cần phải rộng hơn. Chúng ta có thể thấy nhiều quy định đã được “cơi nới”, thay vì được chỉnh sửa, bổ sung, thậm chí thay đổi một cách căn cơ. Đơn cử việc giải phóng nguồn lực đất đai sản xuất đối với người nông dân.
Trong Luật Đất đai 2013 đã “cơi nới” thời hạn cho các loại đất sản xuất nông, lâm, thủy sản từ 20 năm lên 50 năm. Theo đó, đất sản xuất nông nghiệp trồng cây hàng năm kết thúc thời hạn cũ 20 năm vào ngày 15-10-2013, đương nhiên được sử dụng theo thời hạn mới 50 năm kể từ ngày kết thúc thời hạn cũ. Mọi trường hợp đều được như vậy, kể cả người bỏ hoang đất đai.
Như vậy, việc đặt ra thời hạn 20 năm trước đây cũng không để làm gì. Tương lai, hết 50 năm theo thời hạn mới cũng đương nhiên được kéo dài. Trong khi đó, để lại thời hạn chỉ là để lại rào cản làm người nông dân không tự tin vào tâm huyết đầu tư dài hơi của mình. Từ những phân tích trên, việc giải phóng tư liệu sản xuất phải tập trung vào xóa bỏ hoàn toàn rào cản “hạn điền” và “thời hạn”. Đây chính là điều kiện cần để thực hiện cải cách ruộng đất lần thứ 4.
Tiếp theo, phải tạo được cơ chế phù hợp để người nông dân tham gia quá trình tập trung đất đai, tạo quy mô sản xuất lớn. Cơ chế này phải dựa vào thị trường, không ép buộc nông dân, cần xây dựng mối quan hệ hợp tác dài hạn và có văn hóa giữa doanh nghiệp nông nghiệp và các hộ gia đình nông dân.
Nhiều mô hình hợp tác giữa doanh nghiệp và nông dân đã và đang được thử nghiệm. Sự chia sẻ lợi ích hợp lý nhất là mô hình nông dân vẫn sản xuất trên đất đai của mình theo quy trình của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bán dịch vụ, tạo giá trị tăng thêm trên nông sản và bảo đảm bao tiêu nông sản ra thị trường.
Mô hình nữa là doanh nghiệp thuê đất của nông dân và thuê lao động là nông dân để sản xuất. Người nông dân nắm chắc thu nhập nhưng khó chủ động trong quá trình tập trung đất đai. Nhiều mô hình khác cũng đang được vận hành như các hợp tác xã kiểu mới, nông dân góp vốn bằng đất đai với doanh nghiệp, nông dân tự phát triển trang trại quy mô lớn.
Quy luật chung vẫn là đất đai hết tập trung rồi sang phân tán, và ngược lại. Hình thức có vẻ giống nhau, nhưng nội dung khác nhau hoàn toàn về chất. Tập trung đất đai là tất yếu trong cuộc cải cách ruộng đất lần này. Phát triển khu vực kinh tế nông nghiệp phải gắn với quá trình chuyển dịch đất đai và lao động sang khu vực công nghiệp và dịch vụ. Muốn đạt kết quả tốt trong cơ chế thị trường, chúng ta không được duy ý chí.