Luật Đất đai sửa đổi: Thúc đẩy công khai minh bạch trong quản lý và sử dụng đất

Sáng 8/3, tại Hà Nội, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Hải Anh

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Hải Anh

Việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho rằng: Đất đai là tài sản thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc, của mỗi gia đình, cá nhân và doanh nghiệp. Do đó, Luật Đất đai có vai trò đặc biệt quan trọng, được cả xã hội quan tâm. Tuy nhiên, pháp luật đất đai năm 2013 vẫn còn tồn tại những bất cập liên quan đến một số vấn đề công khai minh bạch kế hoạch sử dụng đất, thủ tục hành chính liên quan đến đất đai,… tạo ra những bất an cho doanh nghiệp và người dân.

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh

Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hải Anh

Nhận thức sâu sắc vai trò của thể chế, chính sách trong việc khơi thông nguồn lực, trong đó có đất đai, là chìa khóa để xây dựng đất nước giàu mạnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Hội nghị lần thứ 5 đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về quản lý và sử dụng đất. Nghị quyết là cơ sở định hướng để xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này.

Ông Phạm Tấn Công khẳng định, việc sửa đổi Luật Đất đai nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Không chỉ khắc phục hạn chế các quy định pháp luật về đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần hướng đến thúc đẩy sự công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng đất.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này được soạn thảo trong bối cảnh nền kinh tế và xã hội Việt Nam có nhiều sự thay đổi sâu sắc. Đất nước đang tiến vào giai đoạn công nghiệp hóa và đô thị hóa mạnh. Nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích công nghiệp, thương mại và nhà ở tăng mạnh. Nông nghiệp cũng đang chuyển mình theo hướng hiện đại, nhu cầu tích tụ đất cho sản xuất nông nghiệp cũng đặt ra nhiều vấn đề pháp lý. Thị trường bất động sản trong vài năm qua có sự biến động, bao gồm cả trạng thái tăng trưởng nóng và sau đó là đóng băng đình trệ.

Trong bối cảnh đó thì các quy định pháp luật về đất đai từ năm 2013 đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập. Có thể kể đến các vấn đề như: tài chính đất đai, vấn đề quyền của doanh nghiệp phát triển các dự án có sử dụng đất, vấn đề xây dựng các công trình ngầm, công trình trên không, rồi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủ tục hành chính về đất đai. Tất cả những điều này đặt ra những bài toán mới cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, thực hiện Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian qua, việc quản lý, sử dụng đất đai đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình tổ chức thi hành luật đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế; nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ và bền vững. Việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp, khiếu nại và tố cáo, vi phạm pháp luật về đất đai còn diễn biến phức tạp… Những tồn tại, bất cập nêu trên có nguyên nhân do hệ thống pháp luật về đất đai thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và yêu cầu phát triển của đất nước.

Tránh mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai với các luật khác hiện hành

Phát biểu tại hội thảo PGS, TS. Đinh Dũng Sỹ (nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cho rằng, Luật Đất đai là một đạo luật lớn, bao trùm và liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt là các quan hệ dân sự, đầu tư, kinh doanh bất động sản, tác động đến mọi chủ thể trong xã hội. Do vậy, đạo luật này có nhiều quy định liên quan đến nhiều luật, bộ luật hiện hành, cũng tức là có nhiều quy định ở nhiều đạo luật khác, bộ luật khác có các quy định liên quan đến Luật Đất đai.

Theo đó, để đảm bảo sự tương thích, tránh mâu thuẫn, chồng chéo, xung đột giữa Luật Đất đai với các luật khác hiện hành cần phải có những rà soát, so sánh, đánh giá kỹ lưỡng các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật khác trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, nếu có xung đột pháp luật thì cần phải xử lý, bảo đảm các quy định phải rõ ràng, minh bạch, tránh gây khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện luật.

Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư bất động sản Toàn Cầu, cho rằng: Hiện doanh nghiệp đang có một dự án 8 năm chưa giải quyết xong vấn đề giải phóng mặt bằng, vẫn đang trong tình trạng “xôi đỗ”. Nguyên nhân là do sự thiếu rõ ràng trong quy định đền bù đất nông nghiệp.

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế. Ảnh: Hải Anh

Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế. Ảnh: Hải Anh

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất (Chương 7) chưa có sự phân định rõ rệt giữa các loại đất bị thu hồi và bồi thường. Theo đó, cần phân ra rõ ràng, tách bạch khái niệm đền bù giữa đất nông nghiệp và đất ở, đất thương mại. Cụ thể, đất nông nghiệp là nhà nước giao đất cho các hộ gia đình sản xuất nông nghiệp, trồng trọt, không thu tiền sửa dụng đất, nên khi bị thu hồi chỉ được đền bù hoa màu và chi phí đã đầu tư vào đất theo quy định.

“Theo chúng tôi, phải làm rõ những trường hợp đất nông nghiệp để không, không sản xuất đã vài vụ, không canh tác có được đền bù không?” – ông Nguyễn Quốc Hiệp trao đổi.

Đối với đất ở và đất thương mại, dịch vụ khi thu hồi theo ông Nguyễn Quốc Hiệp cần thống nhất đền bù thỏa đáng theo phương án bồi thường do chính quyền quyết định đảm bảo cho đời sống của người dân không bị thua thiệt, nhưng cần làm rõ một vấn đề: Giá đền bù phải được thực hiện theo đúng phương án giá đền bù đã được phê duyệt, không thể thực hiện bằng phương án tự thỏa thuận giữa từng hộ gia đình với chủ đầu tư.

Đóng góp ý kiến liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bà Nguyễn Thị Nga - Chủ tịch Tập đoàn BRG, đề nghị không thực hiện thu hồi để đấu giá mà cho phép người sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở.

“Chúng tôi đề nghị không thực hiện thu hồi để đấu giá, mà cho phép người sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở bằng quyền sử dụng đất đang quản lý sử dụng hợp pháp nếu đủ điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác” - bà Nga đề nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng: Hiện cơ quan soạn thảo đang tập hợp lấy ý kiến góp ý, theo đó rất cần những ý kiến tâm huyết, những góp ý đi thẳng vào các chương, điều của dự án luật, tạo điều kiện để các doanh nghiệp được tiếp cận nguồn lực đất đai một cách công bằng, hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, thời gian qua, doanh nghiệp nhỏ và vừa được đánh giá khó khăn trong tiếp cận đất đai, nên dự thảo sẽ có những chính sách tốt hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận đất đai, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có bố cục 16 chương và 236 điều. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mục đích xây dựng dự án luật là hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết các chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, hài hòa quyền, lợi ích của nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao; thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số, phát huy dân chủ, hạn chế tình trạng khiếu kiện về đất đai...

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-dat-dai-sua-doi-thuc-day-cong-khai-minh-bach-trong-quan-ly-va-su-dung-dat-123069.html