'Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tế'
Nhiều bất cập được chỉ ra trong Luật Điện ảnh đã ra đời cách đây 12 năm và ngày càng tỏ ra thiếu thích nghi với thực tế.
Thị trường Việt Nam hoàn toàn bị kiểm soát bởi CGV, Lotte
Sáng 23/8, Hội nghị lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc diễn ra tại Hà Nội, thu hút sự tham gia của đông đảo giới làm phim như nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan, Phó chủ tịch Hội điện ảnh Nguyễn Thị Hồng Ngát, NSND Thanh Vân, đạo diễn Nhuệ Giang.... 12 năm sau khi Luật Điện ảnh được thực thi, với sự thay đổi mạnh mẽ từ thực tế làm phim, rất nhiều điểm hạn chế của Luật đã được nêu ra và cần thiết phải sửa đổi.
"Năm 2000, doanh thu ngành điện ảnh Việt Nam khoảng 2 triệu USD, đến năm 2015, con số này tăng lên hơn 100 triệu USD và năm 2018, doanh thu đạt gần 150 triệu USD... Tuy nhiên, trải qua một số năm thực thi, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu, không phù hợp với thực tế. Chỉ riêng vấn đề khai thác, phổ biến phim trên môi trường internet, xem phim trên các thiết bị di động cá nhân là những nội dung mới chưa được đề cập đầy đủ trong Luật Điện ảnh", TS Thu Hà, quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh nhận định.
Doanh thu của toàn thị trường liên tục tăng theo năm như vậy nhưng các công ty trong nước rất lo ngại vì hai doanh nghiệp có thị phần lớn nhất về rạp phim đang nắm đầu ra của công nghiệp điện ảnh của Việt Nam là CGV (43%) và Lotte (20%) đều có vốn đầu tư từ Hàn Quốc. Đại diện BHD lo ngại: "Đây là một thời điểm quan trọng trong khi điện ảnh VN đang trong giai đoạn đầu ra có nguy cơ bị thâu tóm bởi toàn bộ các tập đoàn nước ngoài".
Trung tâm Chiếu phim Quốc gia đề xuất cần bổ sung quy định tỷ lệ về số lượng giữa cơ sở chiếu phim trong nước và cơ sở chiếu phim có yếu tố đầu tư nước ngoài nhằm bảo hộ hoạt động của các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong hoạt động sản xuất và chiếu phim.
Cần thay đổi về cách kiểm duyệt phim, làm rõ thế nào là 'thuần phong mỹ tục'
Cùng sự bùng nổ của hệ thống rạp chiếu với lượng phim ra rạp ngày càng tăng, với 234 phim ngoại được nhập về cùng 37 phim được sản xuất trong nước riêng trong năm 2018, các nhà phát hành cũng đề xuất cần xem xét mở rộng mức phân loại từ 5 mức lên thành 6, bổ sung thêm mức C9 (không phổ biến) đến khán giả dưới 9 tuổi. Bởi theo công ty Thiên Ngân, với mức phân loại thấp nhất hiện nay là C13 đang gây khó khăn cho các bộ phim bom tấn siêu anh hùng của các studio lớn (Người Nhện, Biệt đội siêu anh hùng...) là các khán giả từ 9-12 tuổi không có cơ hội tiếp cận phim dù nội dung hoàn toàn phù hợp với lứa tuổi này.
Thêm vào đó, với mức phân loại cao nhất hiện nay là C18 cần xem xét lại vì dù là mức cao nhất nhưng mặt kiểm duyệt nội dung còn bị hạn chế bởi hình ảnh của phim được yêu cầu chỉnh sửa hoặc cắt bớt khá nhiều dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng cũng như nội dung phim.
Công ty Thiên Ngân cũng đề xuất xem xét thành lập hội đồng duyệt phim chuyên biệt, không kiêm nhiệm như hiện nay tránh tình trạng quá tải vào những dịp như 30/4, 2/9... khiến các đơn vị nhập phim phải xếp hàng trong những dịp cao điểm dẫn đến ảnh hưởng kế hoạch.
Liên quan đến các hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, VTV cho rằng đó là những quy định mang nhiều tính định tính, đề nghị cần tuy định chi tiết, cụ thể với tiêu chí rõ ràng hơn để thuận lợi cho việc thực hiện và áp dụng pháp luật, nhất là khâu kiểm duyệt phim.
Đại diện Hãng phim Chánh Phương cũng cho rằng cần cởi mở cơ chế duyệt phát hành phim thông thoáng, xóa bỏ rào cản về thuần phong mỹ tục. Luật sửa đổi cần giải thích rõ từ "thuần phong mỹ tục" trong văn bản duyệt kịch bản và duyệt phim vì đây là những từ chung chung, chưa rõ ràng và gây hoang mang. Thêm vào đó cần thay đổi khuynh hướng kiểm duyệt bảo thủ, an toàn cũng như công khai các thành viên của hội đồng duyệt.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến đề xuất các giải pháp để thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh (sau 12 năm vẫn chưa thể thực hiện), việc bảo hộ phim ảnh trong nước, quản lý phim phát hành trên mạng, việc sử dụng lao động dưới 16 tuổi (từ trường hợp của nữ diễn viên 13 tuổi đóng vai chính trong phim Vợ ba với nhiều cảnh người lớn gây tranh cãi gần đây) đã được nêu ra với hy vọng sẽ được điều chỉnh trong Luật Điện ảnh sửa đổi sắp tới.