Luật Điện ảnh Việt Nam: Thay đổi để phát triển

Ngày 23/8, tại Hà Nội, Hội nghị - Hội thảo Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc đã diễn ra.

Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Ảnh minh họa.

Sự cần thiết sửa đổi Luật Điện ảnh

Trải qua 12 năm thi hành, Luật Điện ảnh đã tạo nên hành lang pháp lý cho các đối tượng tham gia hoạt động điện ảnh, tạo cho điện ảnh cơ chế và điều kiện phát triển. Doanh thu điện ảnh trong những năm gần đây tăng trung bình từ 25-30%...

Tuy nhiên, trải qua một số năm thực thi, trước sự vận động của đời sống xã hội cùng sự bùng nổ của khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, kỹ thuật số, Luật Điện ảnh bộc lộ nhiều điểm lỗi thời, lạc hậu không phù hợp với thực tế.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu: “Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội hiện tại, vấn đề hội nhập quốc tế và sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp, qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh phát huy được vai trò và ý nghĩa chiến lược của mình”.

Về một số vấn đề cụ thể để đưa ra sự cần thiết của lần góp ý sửa đổi này, TS. NSƯT Trần Thị Thu Hà - Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh liệt kê: Đó là vấn đề vi phạm bản quyền, cạnh tranh không lành mạnh, hạn chế cạnh tranh… với nhiều diễn biến tiêu cực, phức tạp mà Luật chưa quy định, chưa có chế tài xử lý.

Bà Hà cũng nói thêm rằng: Sau 12 năm thi hành Luật, với sự thay đổi phương thức thương mại cùng nhiều cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, các chính sách quản lý hiện nay đang hạn chế việc hợp tác quốc tế trong lĩnh vực điện ảnh. Các hoạt động cung cấp dịch vụ và sản xuất phim có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam gặp nhiều khó khăn do chưa thống nhất, đồng bộ với nhiều quy định khác, phát sinh giấy phép chồng chéo, gây mất thời gian cho doanh nghiệp, cho nhà sản xuất. Trong khi xu thế hợp tác làm phim đa quốc gia ngày càng phát triển, mang lại lợi nhuận, lợi ích không chỉ trong việc quảng bá du lịch và quảng bá hình ảnh quốc gia.

Có tham luận tại Hội nghị, đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cũng nêu thêm một số bất cập: Một trong những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành là chưa có sự phân định về chính sách hỗ trợ giữa các loại phim Việt cũng như phim nước ngoài. Theo đó các loại phim về thể loại giáo dục truyền thống, phim nghệ thuật, phim thương mại, phim giải trí… của Việt Nam cũng như nước ngoài đều chịu thuế như nhau. Nhà nước không có chính sách khuyến khích, ưu tiên loại phim cũng như không hạn chế bất kỳ loại phim nào…

Thay đổi để phát triển

Từ quan điểm trên, đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp góp ý cần nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hạn chế những sản phẩm điện ảnh không khuyến khích phổ biến rộng rãi. Mặt khác cần nghiên cứu có những chính sách phù hợp như giảm thuế đối với những thể loại phim cần khuyến khích, ưu tiên nhằm tạo điều kiện cho ngành điện ảnh sản xuất thêm nhiều tác phẩm điện ảnh có giá trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo tầng lớp khán giả trong và ngoài nước.

Với tham luận Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi), NSND Đặng Xuân Hải - Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cũng nêu ý kiến sửa đổi một số mặt: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh; tổ chức xã hội - nghề nghiệp về điện ảnh; những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phim; phát hành, phổ biến phim…

Ví dụ, trong Điều 12 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ sản xuất phim, NSND Đặng Xuân Hải góp ý: Nên cân nhắc việc ưu đãi (về thuế) cho các cơ sở cung ứng dịch vụ sản xuất phim cho nước ngoài tại Việt Nam. Thực tế các cơ sở này thu được nhiều tiền của các đoàn làm phim nước ngoài vào Việt Nam quay phim (qua dịch vụ làm giấy phép, các dịch vụ làm phim…), trong khi chỉ phải nộp lại ngân sách nhà nước khoản lệ phí mang tính tượng trưng…

Hay ở Điều 37 Nguồn vốn của Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, cần quy định rõ “Nguồn thu từ việc trích tỷ lệ phần trăm trên doanh thu chiếu phim nước ngoài, phim Việt tại các rạp”. Phim nước ngoài phải nộp cao hơn như một số nước đã áp dụng. Ngoài ra nên cân nhắc không đưa phim “giải trí” vào đối tượng được hưởng sự hỗ trợ của Quỹ vì loại phim này hoàn toàn gắn với thị trường…

Ngoài những góp ý về Luật Điện ảnh (sửa đổi), ông Hải cũng góp ý thêm về thời gian dự kiến trình thông qua Luật Điện ảnh (sửa đổi) là năm 2021, liệu có chậm quá không? Bởi “thị trường điện ảnh vốn diễn biến sôi động từng ngày, cho nên Luật Điện ảnh sửa đổi lần này cần đảm bảo cả “tầm nhìn”, “tính dự báo” để khi Luật thông qua sẽ không tụt hậu với thực tế.

Trong buổi sáng, Hội nghị Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) khu vực phía Bắc đã có hơn 10 ý kiến đóng góp tại hội trường. Ngoài những ý kiến nêu trên, một số góp ý của các đại diện khác về việc sản xuất phim đặt hàng của Nhà nước, đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ, hay kiểm soát phim phát hành trên internet… cũng nhận được nhiều sự quan tâm.

Huyền Trang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/dien-anh/luat-dien-anh-viet-nam-thay-doi-de-phat-trien-tintuc445559