Luật Doanh nghiệp – niềm vui và nỗi buồn
'Hôm nay chúng tôi đến đây với rất nhiều niềm vui nhưng cũng đầy ắp nỗi buồn', TS.Nguyễn Đình Cung – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương đã nói vậy tại Hội thảo 20 năm Luật Doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách vừa diễn ra hồi giữa tháng 11.
Mỗi lần sửa là một lần kỳ vọng mới
Đó cũng là tâm trạng chung của không ít người có vai trò quan trọng trong sự ra đời của Luật DN và luôn theo sát tiến trình thực hiện luật cùng có mặt tại Hội thảo này, như TS. Lê Đăng Doanh (nguyên Viện trưởng CIEM; bà Phạm Chi Lan (nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), TS.Nguyễn Văn Phúc (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)...
Đây cũng là tâm trạng của những người đương thời như Phó Viện trưởng CIEM Phan Đức Hiếu, Ls. Nguyễn Hưng Quang (NHQuang&Cộng sự), Ls.Trương Thanh Đức (Basico),TS.Lê Xuân Bá (nguyên Viện trưởng CIEM) cùng đại diện một số DN và các chuyên gia...
Tính đến nay Luật DN đã có 3 phiên bản (Luật DN đầu tiên được ban hành năm 1999, tiếp đó được sửa đổi bổ sung ban hành năm 2005 và 2014), hiện đang chuẩn bị cho phiên bản thứ 4. Rất nhiều những kỷ niệm, kinh nghiệm và bài học làm luật, thực thi luật, thúc đẩy cải cách đã được nêu lên với đầy trăn trở với mong muốn “cải cách không chững lại”. “Mỗi lần luật DN được sửa đổi, mỗi phiên bản Luật DN mới ra đời là một lần kỳ vọng tạo nên những thay đổi mới mạnh mẽ hơn trước”, ông Phan Đức Hiếu phát biểu.
Theo TS.Nguyễn Đình Cung, Luật DN 1999 là luật cải cách mạnh mẽ nhất khi lần đầu tiên DN tư nhân được định danh, giảm thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của các cơ quan công quyền đã bỏ chế độ “làm gì cũng phải xin phép”, theo đó, có thể nói đã bỏ được hàng ngàn “giấy phép không tên”; và bãi bỏ được cả những giấy phép “có tên” nhưng không cần thiết.
Tiếp tục tinh thần và nội dung cải cách của Luật DN 1999, Luật DN 2005 và Luật DN 2014 đã có những cải cách cụ thể theo xu hướng tốt như cắt bỏ hàng loạt ngành nghề kinh doanh có điều kiện… và áp dụng chung cho cả DNNN và DN tư nhân. Luật đã tăng quyền tự do kinh doanh và bảo đảm, bảo vệ được quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ đối với doanh nghiệp, tăng an toàn trong kinh doanh, tăng mức độ an toàn, quyền và tài sản trong kinh doanh được luật pháp bảo vệ, giảm và thu hẹp rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi luật pháp. Đó là niềm vui.
Những bài học vẫn chưa được học
Nhưng giấy phép con lại mọc lên, điều kiện kinh doanh cắt giảm vẫn chưa thực chất, vẫn bị cài cắm, quyền tự do kinh doanh bị hạn chế bởi một số quy hoạch bất hợp lý, không phù hợp. Chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao và giảm theo từng đợt cải cách thủ tục hành chính mà chưa có thể chế, định chế phù hợp giảm một cách có hệ thống chi phí tuân thủ.
“Tôi muốn nói nhiều về những bài học vẫn chưa được học, ít được học từ việc soạn thảo và thực thi các phiên bản Luật DN, khiến quá trình cải cách của Việt Nam bị chậm lại để nhìn về giai đoạn tới”, ông Cung nói. Theo đó mặc dù đã được cải thiện so với trước đây, nhưng cảm nhận có được từ thu thập thông tin, xem xét cách thức soạn thảo và thực thi pháp luật, khảo sát thực tế... thì đầu tư kinh doanh chưa an toàn, rủi ro chính sách, pháp luật và thực thi còn cao và phức tạp.
“Điều tôi băn khoăn là sau 20 năm, tư duy “tiền đăng, hậu kiểm” mà Luật DN 1999 khởi xướng chưa được hiểu đúng, khiến mục tiêu để DN là một công cụđầu tư, kinh doanh rẻ và an toàn vẫn chưa thực hiện”, ông Cung nói đầy trăn trở. Rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh là rất nhiều, đa đạng, không đoán định được. Hậu kiểm chưa rõ ràng. Thanh tra, kiểm tra có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đở tuân thủ luật pháp.
Trong khi cho rằng cơ chế giám sát thi hành Luật, đặc biệt là giám sát các cơ quan và công chức nhà nước kém hiệu lực, bà Phạm Chi Lan nhấn mạnh: Cần quyết tâm chính trị, định hướng chính sách rành mạch, chỉ đạo sát sao. Quá trình làm luật, thực thi luật luôn cần tham vấn rộng rãi, nghiêm túc các đối tượng chính của luật. Tham vấn giúp đánh giá đúng lợi ích và chi phí, nâng cao chất lượng luật, tạo sự ủng hộ, hiểu biết về luật, thuận lợi cho thi hành.
Cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tham vấn, Ls. Nguyễn Quang Hưng nhắc lại các phiên bản Luật DN không chỉ được tham vấn rất sớm, ngay từ khi lên phương án chính sách đến quá trình soạn thảo và cả quá trình thực thi luật. Vị luật sư này nhấn mạnh nếu tiếp tục sửa Luật DN thì phải chú ý tới tính ổn định của pháp luật doanh nghiệp. Tính ổn định của pháp luật sẽ giúp cho pháp luật trở nên có thể dự đoán được, tạo sự thống nhất trong quy định pháp luật và tránh sự lạm quyền. Để bảo đảm tính ổn định của Luật DN thì Luật DN cần phải xây dựng một số các nguyên tắc cốt lõi của luật này.
Trong khi ông Phan Đức Hiếu thừa nhận, nhiều văn bản điều hành, hướng dẫn thực thi nằm trong ý chí của các bộ, ngành, nên nếu không mang tư duy của thị trường, tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người dân, thì rất khó tránh khỏi sự dùng dằng trong cải cách thể chế lúc này.
“Tôi đang lo, nếu thực thi không tốt, sẽ xóa đi công sức xây dựng các điều luật tốt. Những nhóm có lợi ích trái ngược với lợi ích chung không dễ dàng chịu thua một luật tốt. Phải có bàn tay sắt và sạch của nhà nước, dựa vào sức mạnh của xã hội, của cộng đồng DN. Giữa luật trên giấy, Luật trong đầu và luật thực thi ngoài đời có thể rất khác nhau, tùy thuộc trước hết vào những người cầm trịch trong từng giai đoạn… Và nếu không lan tỏa được tinh thần cải cách, những bài học trong xây dựng, thiết kế và thực thi Luật DN tới các văn bản khác, thì những nỗ lực cải cách không thể phát huy tối đa hiệu quả”, bà Chi Lan kết luận.
Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/luat-doanh-nghiep-niem-vui-va-noi-buon-95399.html