Luật Doanh nghiệp sửa đổi: Cần đảm bảo tính thị trường, minh bạch
Đây là nội dung nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) kiến nghị tại hội thảo '20 năm luật Doanh nghiệp; thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách' do CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức sáng 18/11.
Luật DN đầu tiên ra đời 13/1999/QH10 chính thức đi vào thực hành từ năm 2000. Qua 20 năm, Luật DN đã trải qua 2 lần sửa đổi, thay thế (năm 2005 và 2014) đã mang lại nhiều thuận lợi cho DN, giảm các loại giấy phép, con dấu các loại, giảm nhiêu khê và công sức của DN trong các hoạt động của mình.
Đặc biệt, Luật DN 2014 đã thay đổi một số cơ bản, thể hiện đúng tinh thần Hiến pháp 2013 về quyền tự do kinh doanh của công dân, của DN.
Nói về Luật DN 2014, nguyên Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho rằng, có 4 tiêu chí là: Mở rộng, tăng quyền tự do kinh doanh và quan trọng là bảo vệ quyền tự do kinh doanh, những gì luật pháp không cấm thì người dân, DN được tự do đầu tư, kinh doanh; giảm chi phí tuân thủ đối với DN; mức độ an toàn trong hoạt động kinh doanh, tăng quyền tự do, quyền và tài sản trong kinh doanh phải được bảo vệ; giảm thu hẹp loại bỏ rủi ro từ chính sách, thể chế và thực thi pháp luật.
Dù xây dựng Luật DN 2014 có những bước đột phá như vậy nhưng theo ông Cung “tuân thủ đúng pháp luật là một thách thức”. Đơn cử như một số ngành vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh, như: Dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng và một số dịch vụ khác. Đây là điểm mà chúng ta không bắt kịp 4.0 khi các dịch vụ thanh toán, phi tài chính phát triển mạnh như hiện nay. Quyền tự do kinh doanh mới chủ yếu trong phạm vi “kinh doanh cái gì”, còn kinh doanh như thế nào và bao nhiêu vẫn phải xem xét thêm.
Bên cạnh đó, về chi phí tuân thủ có giảm đáng kể, nhưng vẫn còn cao. Tư duy các bộ ngành chủ yếu là giảm theo từng đợt cải cách hành chính của Chính phủ, giảm chỉ mang tính phong trào, hết đợt đó là hết, chứ chưa phải là xuyên suốt của hệ thống.
Đặc biệt, về an toàn và rủi ro trong kinh doanh, thực thi còn phức tạp và có thể ngày càng tinh vi. Luật DN 2014 thiết kế hậu kiểm, quản lý nhà nước chỉ tập trung vào những đối tượng rủi ro, vi phạm cao và với xã hội lớn nhưng thực tế hiện nay, hậu kiểm, thanh tra kiểm tra có thiên hướng phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ, giúp đỡ DN tuân thủ pháp luật.
“Mỗi năm luật Quốc hội ban hành 20 Luật, dưới Luật là Nghị định, Thông tư hướng dẫn, chưa kể công văn điều hành. Luật không đổi, Nghị định không đổi nhưng Thông tư có thể đổi. Thông tư các bộ ban hành, đúng với Thông tư này có thể sai với Thông tư khác. Hướng dẫn thi hành là sự tùy ý. Ở đây là miếng đất màu mỡ cho thanh tra kiểm tra DN, là nguồn gốc của những rủi ro trong tuân thủ luật pháp ở Việt Nam” - ông Cung chỉ rõ.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, khi sửa Luật DN lần này (đang xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV) đầu tiên phải sửa tư duy, sửa vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường, rồi mới sửa hệ thống văn bản pháp luật. Tư duy phải là thị trường, để thị trường phân bổ nguồn lực, để thị trường vốn hóa tài sản... Các thị trường nhân tố sản xuất như đất đai, lao động... phải hoàn thiện, để tránh quan hệ thân hữu. Hệ thống pháp luật phải đồng bộ, thống nhất. Yêu cầu đầu tiên có lẽ là bỏ thanh tra ngành... Nếu DN vi phạm pháp luật, phải có cơ chế khởi kiện ra tòa.
Nói về hộ kinh doanh cá thể, ông Cung cho hay đang đối mặt với 2 vấn đề một là sợ lớn và hai là không muốn lớn. Theo ông Cung, vấn đề quan trọng là an toàn, minh bạch thì người kinh doanh sẽ an tâm kinh doanh, có thể không làm lớn, nhưng không sợ lớn.
Đặc biệt, những người muốn làm ăn lớn sẽ sẵn sàng làm hết sức, phát huy hết để lớn lên mà không lo ngại gì. Điều quan trọng là họ cảm thấy an toàn, an toàn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và an toàn trong bảo vệ tài sản mà họ làm ra. Khi đó, sẽ không có đất cho những người muốn lớn nhờ quan hệ thân hữu. Đây là các vấn đề mà hệ thống thể chế về môi trương kinh doanh phải xử lý.