Luật Đường bộ: Tiếp tục tranh luận xe công nghệ có phải là xe kinh doanh vận tải

Sáng 9/10, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh tổ chức Tọa đàm về dự án Luật Đường bộ để phục vụ việc thẩm tra, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tới đây. Vấn đề quản lý hoạt động kinh doanh vận tải là nội dung được nhiều ý kiến tranh luận. Trong đó, tiếp tục vấn đề nóng lâu nay là xe công nghệ có phải là kinh doanh vận tải hay không?

Theo dự thảo Luật, Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc tổ chức, cá nhân thực hiện ít nhất một trong các công đoạn gồm: điều hành phương tiện và lái xe hoặc quyết định giá cước vận tải để vận tải hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi trừ 1 số hoạt động vận tải nội bộ…

Đại diện Grab tại Việt Nam cho rằng, nếu theo điều khoản trên, các dịch vụ kết nối đặt xe trực tuyến như Grab đang cung cấp là kinh doanh vận tải. Điều này không thực sự phù hợp và gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi Grab chỉ cung cấp dịch vụ kết nối giữa người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ, bán hàng hóa.

Đại diện Bộ Giao thông Vận tải lại cho rằng, kết nối giữa con người và phương tiện có thể bằng nhiều hình thức trong đó có công nghệ, nhưng đã là doanh nghiệp thực hiện kinh doanh vận tải thì phải đáp ứng các điều kiện.

Ý kiến khác cho rằng, đã tham gia vận chuyển con người là phải chịu quản lý nhà nước. Hiện nay đang có các loại hình mới được nhiều người sử dụng như xe công nghệ, xe ghép đi chung... Do đó, các quy định mới phải đảm bảo Nhà nước quản lý được vừa đáp ứng được nhu cầu mới của người dân.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Khắc Phục - Trương Tùng

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/luat-duong-bo-tiep-tuc-tranh-luan-xe-cong-nghe-co-phai-la-xe-kinh-doanh-van-tai-192864.htm