Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không quy định về đào tạo sát hạch, cấp bằng lái

Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật hiện hành, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến GTĐB, từ đó tách thành hai nội dung lớn là BTĐB và bảo đảm trật tự an toàn GTĐB, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Ngày 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và quyết định về việc bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; quyết định việc bổ sung kinh phí mua bù gạo dự trữ quốc gia; thảo luận dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) (sửa đổi)...

Không quy định về đào tạo sát hạch, cấp bằng lái

Trình bày Tờ trình Luật GTĐB (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, so với Luật GTĐB năm 2008, dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi) có sự thay đổi về phạm vi điều chỉnh.

Theo đó dự thảo lần này quy định về GTĐB gồm: Kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống báo hiệu đường bộ, tổ chức giao thông; quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện GTĐB, vận tải đường bộ, quản lý nhà nước về GTĐB.

“Các quy định về quy tắc BTĐB, người điều khiển phương tiện tham gia GTĐB, đăng ký phương tiện GTĐB, đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe sẽ không được quy định tại dự thảo Luật GTĐB (sửa đổi)” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc tách thành hai dự án Luật (Luật BTĐB và Luật Bảo đảm trật tự an toàn GTĐB), vì cho rằng, Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, tổng kết việc thực hiện Luật hiện hành, đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện các vấn đề liên quan đến GTĐB, từ đó tách thành hai nội dung lớn là BTĐB và bảo đảm trật tự an toàn GTĐB, đồng thời xây dựng thành hai dự án Luật là phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình tờ trình

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể trình tờ trình

Trong đó, dự án Luật GTĐB (sửa đổi) tập trung điều chỉnh các nội dung cơ bản về kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, vận tải đường bộ và quản lý nhà nước về giao thông đường bộ.

Giao 2 lĩnh vực tách biệt cho 2 cơ quan quản lý

Thảo luận về dự thảo luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết, Chính phủ đã bàn rất kỹ suốt những tháng vừa về việc tách 2 Luật. Về mặt Chính trị, Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban Bí thư đều đưa ra yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới.

“Một số đại biểu hỏi rằng, sao chỉ tách mình Luật GTĐB, theo ý kiến của Bộ Tư pháp thì hơn 90% tai nạn xảy ra đường bộ, còn lĩnh vực đường thủy, đường sắt và hàng không rất ít. Do đó, có đặt ra tách Luật Giao thông đường thủy, đường sắt hay không thì phải trên cơ sở đánh giá tổng kết thi hành các luật kia. Còn Luật GTĐB thì mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, thuộc nội dung đảm bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội” – Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cho biết thêm, ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Nga, Đức, Úc, tên gọi có thể là luật GTĐB hay luật An toàn giao thông nhưng cơ quan quản lý nhà nước là cơ quan Công an. Cụ thể là Nhật, cơ quan Cảnh sát họ có chức năng nhiệm vụ cấp bằng đào tạo, lái xe, phù hợp quản lý nhà nước là 2 Bộ tách bạch trong 2 luật này. Đây là cơ sở lý luận chính trị, thực tiễn. Hàn Quốc có 10 luật khác nhau quy định lĩnh vực GTĐB, Nghị quyết Chính phủ đã giao cho 2 cơ quan.

Nâng cao trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong bảo đảm ATGT

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu cho biết, hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông rất đáng quan tâm. Cụ thể, quỹ đất để phát triển hạ tầng giao thông chưa cân đối với nhu cầu, chưa đáp ứng được đồng bộ với phát triển kinh tế, xã hội, gây ra các hệ lụy như ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn; công suất đường thiết kế ở nội đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... 50-60 km/h nhưng thực tiễn chưa đáp ứng được 1/3 tốc độ theo công suất thiết kế. Phần các đồng chí ban soạn thảo Luật GTĐB sửa đổi trình bày rất căn cơ, cần thiết, Bộ Công an cũng đã tham gia ý kiến đảm bảo có sự đổi mới và các yếu tố đáp ứng được tình hình hiện tại của luật GTĐB sửa đổi.

Nói thêm về việc vì sao chỉ tách Luật GTĐB mà không tách các Luật khác, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết, ngược lại lịch sử, năm 1995, có Ủy ban ATGT quốc gia, đồng chí Trần Đức Lương là Phó Thủ tướng, Trưởng ban an toàn giao thông, đưa ra các giải pháp, cố gắng đảm bảo an toàn giao thông, hành lang an toàn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, an toàn giao thông. Khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt ra Chỉ thị 36 quy định lòng đường để cho các phương tiện, vỉa hè người tham gia giao thông với mục đích chống ùn tắc, tai nạn giảm. Năm 2005, Chính phủ ra Nghị quyết để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, có quyết định di dời trụ sở ra ngoài trung tâm để lấy trụ sở làm dịch nơi công cộng, giảm tải cho giao thông nội đô đặc biệt là tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Tổng kết tình hình giao thông những năm vừa qua, hàng trăm nghìn người tử vong, chủ yếu tai nạn ở đường bộ. Chúng ta quan tâm nhiều thời gian vừa qua cũng là phòng ngừa, tai nạn giao thông thảm khốc.

“Trên tình thần đó, Bộ Công an thấy trách nhiệm trong Luật quy định, đánh giá lại Chỉ thị 18 và Kết luận 45 của Ban Bí thư nêu rất rõ rà soát xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật để đảm bảo TTAT an toàn giao thông, bảo đảm tính mạng con người. Chính vì vậy, Bộ Công an đề nghị cần thiết có Luật riêng về bảo đảm TTATGT để nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy đảng, tổ chức, cá nhân về an toàn giao thông, đảm bảo làm sao đi vào nhận thức thông qua thực hiện luật pháp một cách xuyên suốt nghiêm minh và đồng bộ” – Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu

Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc phát biểu

Nhận thức nhân dân tham gia giao thông là vấn đề căn cơ, cơ bản đảm bảo trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an đã đăng ký và được Chính phủ đồng thuận, xây dựng Luật Bảo đảm TTAGTT. Tháng 8/2020, các thành viên Chính phủ thảo luận kỹ, thống nhất ra Nghị quyết 123 trình Quốc hội 2 Luật là Luật Bảo đảm TTATGT và Luật GTĐB (sửa đổi) để đáp ứng xây dựng hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Trước khi có Nghị quyết, 4 Bộ (Tư pháp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải) đã thống nhất trên yêu cầu đặt ra và đề xuất báo cáo Chính phủ và Thường vụ Quốc hội đăng ký 2 Luật đảm bảo chủ trương của Đảng, Nhà nước với các tiêu chí con người được sống và tính mạng được bảo vệ.

“Bản thân tôi thấy rằng Có luật riêng về bảo đảm TTATGT chỉ làm tốt cho xã hội. Lực lượng nào đó được phân công giao nhiệm vụ sẽ vất vả hơn nhưng cho thấy vinh dự, trách nhiệm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội tốt hơn” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc cho biết.

Giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết, những nội dung các đại biểu phản ánh về có sự chồng lấn giữa hai Luật, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các đơn vị chức năng cùng rà soát nội dung tiếp thu cụ thể làm sao đồng nhất mà không chồng chéo, vận dụng thực hiện tốt nhất. “Chính phủ có nghị quyết 123, thể hiện sự nhất trí cao của Chính phủ trong việc tách hai Luật: GTĐB (sửa đổi) và Bảo đảm TTATGT, mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thống nhất để Chính phủ thực hiện đúng chương trình xây dựng pháp luật.

Phương Thủy

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/luat-giao-thong-duong-bo-sua-doi-khong-quy-dinh-ve-dao-tao-sat-hach-cap-bang-lai-611720/