Luật hình thức, lệ thực chất

Trong cuộc điện đàm vào chiều ngày 17/3 vừa qua với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Nga Vladimir Putin nêu ra 2 điều kiện để chấm dứt 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga ở Ukraine.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Reuters).

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin (ảnh: Reuters).

Một trong số ấy là Ukraine giữ quy chế trung lập và không gia nhập NATO. Trước đấy, ông Putin có đề cập đến mô hình trung lập của Áo và Thụy Điển làm sự lựa chọn cho Ukraine. Ukraine rồi đây có trung lập hay không hoặc trung lập như thế nào hiện là chuyện khác còn ở mô hình trung lập của Áo hay Thụy Điển đều có chuyện luật chỉ là hình thức mà lệ mới thực chất.

Cùng mang danh là trung lập nhưng trung lập ở Áo và ở Thụy Điển khác nhau. Cho tới năm 2002, Thụy Điển theo đuổi chính sách trung lập được bắt đầu từ thế kỷ thứ 19, neo chắc chắn trong hiến pháp đất nước và với hàm ý không đứng về phe nào trong số các phe tiến hành chiến tranh với nhau trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào ở bất kỳ nơi đâu. Năm 2002, Thụy Điển từ bỏ trên danh nghĩa chính thức chính sách trung lập truyền thống này nhưng từ đó đến nay không gia nhập liên minh quân sự nào.

Nước Áo trở thành quốc gia trung lập ở châu Âu từ năm 1955 nhưng không tự nguyện như Thụy Điển mà phải chấp nhận trung lập để đổi lấy việc tất cả các nước phe đồng minh thắng trận triệt thoái toàn bộ quân đội ra khỏi Áo ở thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi ấy, Liên Xô đặc biệt quan tâm tới việc này và coi đấy như một điều kiện tiên quyết. Chính phủ Áo phải thỏa thuận riêng với chính phủ Liên Xô về quy chế trung lập này.

Để Chính phủ và Quốc hội Áo đỡ khó xử khi phê chuẩn thỏa thuận giữa Áo với Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp về việc triệt thoái quân đội (được gọi là Hiệp ước nhà nước năm 1955), các bên không ghi rõ trong thỏa thuận cam kết của Áo thực thi chính sách trung lập vĩnh viễn. Vĩnh viễn ở đây hàm ý trung lập mãi mãi, trong mọi tình huống và ở mọi thời kỳ. Cả đấy cũng là một khác biệt rất cơ bản so với mô hình trung lập của Thụy Điển.

Chính sách trung lập được luật hóa ở bình diện quốc gia cũng như quốc tế nhưng rồi theo thời gian thì hiệu lực ràng buộc của luật bị bào mòn khi cả Thụy Điển lẫn Áo đều gia nhập Liên minh châu Âu(EU), đều tham gia vào sự hợp tác giữa EU với NATO và thậm chí đều thiết lập mối quan hệ hợp tác trực tiếp riêng với NATO cho dù không gia nhập NATO.

Người ta gọi thực trạng này là “chân trong, chân ngoài” với NATO hoặc trên danh nghĩa chính thức thì không phải là thành viên NATO nhưng trong thực chất thì lại chẳng khác gì các thành viên chính thức của NATO. Tham gia liên minh quân sự là biểu hiện rõ nét nhất của việc không thực thi chính sách trung lập, bất kể trung lập theo mô hình của Thụy Điển hay mô hình của Áo.

Ở châu Âu, gần như tất cả các thành viên EU đồng thời là thành viên NATO. Mấy nước trung lập chỉ là thiểu số rất nhỏ. Họ không là thành viên nhưng được NATO tin cậy như các thành viên chính thức. Họ tận lợi triệt để về mọi phương diện từ quy chế trung lập và từ quan hệ hợp tác chặt chẽ với NATO.

Cái lệ ở đây không phải sự ràng buộc vào cam kết pháp lý hay chính trị về theo đuổi chính sách trung lập quyết định, mà viện dẫn trên danh nghĩa chính thức hay bất chấp trên thực tế quy chê trung lập ấy để được lợi về nhiều nhất.

Chẳng hạn như Thụy Điển và Áo đâu có phản đối gì chủ trương chung của EU tăng cường vũ trang trực tiếp cũng như gián tiếp cho quân đội Chính phủ Ukraine để giao tranh vũ trang với Nga. Cũng chính vì tình trạng luật chỉ hình thức và lệ mới thực chất nên chắc chắn phía Nga khi đưa ra điều kiện về trung lập hóa Ukraine không thể không lưu ý đến nó.

Hạ Nham

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/luat-hinh-thuc-le-thuc-chat-post438728.html