Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Gần 3 năm vẫn chưa đi vào cuộc sống
Với kỳ vọng giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV, chiếm 95% số lượng DN của Việt Nam) vươn lên, năm 2017 Luật Hỗ trợ DNNVV ra đời. Tuy nhiên, sau gần 3 năm thực hiện, luật còn nhiều điểm nghẽn như DN khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đất đai, khó tiếp cận các chương trình hỗ trợ…
Dài cổ đợi hỗ trợ
Trước khi có hiệu lực, nhiều chuyên gia kinh tế đã đặt nghi vấn về hiệu quả của Luật Hỗ trợ DNNVV bởi lẽ các điều khoản hỗ trợ chưa thực sự sát thực tế. Sau 2 năm triển khai, Luật Hỗ trợ DNNVV rốt cuộc đã bộc lộ nhiều điểm nghẽn.
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, sau 2 năm có hiệu lực, Luật Hỗ trợ DNNVV khi triển khai còn gặp nhiều rào cản, chưa tạo thuận lợi cho DN phát triển. Nguồn lực triển khai hỗ trợ DNNVV hạn chế. Mặc dù luật đã quy định rõ nhưng nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí để hỗ trợ các DN. Các doanh nghiệp chưa triển khai được các hạng mục được ưu tiên, hỗ trợ do quy định pháp lý chưa đầy đủ, hoặc là mới được ban hành.
“Tỷ lệ DN tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, tín dụng, quỹ hỗ trợ tín dụng còn thấp. Chi phí logistics cao, ảnh hưởng tới việc mở rộng thị trường, cạnh tranh của sản phẩm. Chưa kể thủ tục hành chính rườm rà, chính sách ban hành chậm. Nhiều DN chưa nhận được hỗ trợ theo quy định do Chính phủ ban hành, các hộ kinh doanh chậm chuyển đổi sang mô hình DN do tâm lý lo ngại chính sách thuế. Nhiều địa phương triển khai hỗ trợ DNNVV rất chậm, nhất là hỗ trợ miễn, giảm thuế, hỗ trợ giảm lãi suất vay”, ông Thân nhấn mạnh.
Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, đến nay DN vẫn chưa được thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ mặt bằng sản xuất, giảm thuế, phí, tiền thuê đất, đổi mới công nghệ… Cộng đồng DN phản ánh vẫn tồn tại khoảng cách giữa chính sách và thực thi, giữa kỳ vọng và yêu cầu thực tiễn của DN. Các DN phản ánh thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh tồn tại mâu thuẫn, không rõ ràng giữa các quy định pháp lý.
Theo ông Mạc Quốc Anh, những khó khăn DNNVV gặp phải chủ yếu gồm quy mô nhỏ, thiếu vốn dẫn đến hoạt động manh mún, nhỏ lẻ, chưa bài bản, thiếu tầm nhìn chiến lược. Đa số DN nhỏ hạn chế về công nghệ do thiếu vốn đầu tư. Các số liệu thống kê cho thấy, phần lớn DN Việt Nam vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. Việc đổi mới công nghệ của các DN diễn ra chậm chạp. Phần lớn lực lượng lao động trong các DNNVV chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật. Về trình độ quản lý, đa số các chủ DN ít được đào tạo về kiến thức kinh tế và quản trị doanh nghiệp.
“Ðẩy”trách nhiệm hỗ trợ DN về địa phương?
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, đến nay, các thông tư, nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ DNNVV đã được bộ, ngành hướng dẫn, thực hiện. Việc hỗ trợ của DNNVV chủ yếu thuộc về các địa phương. Trách nhiệm của bộ, ngành là đưa nghị định, thông tư về cấp cơ sở để địa phương thấy vai trò của DNNVV và thực hiện đề án hỗ trợ trực tiếp cho DN.
Theo ông Nguyễn Hoa Cương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ KH&ĐT), đến hết năm 2019, có 50/63 địa phương xây dựng và ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án hỗ trợ DNNVV trên địa bàn. Một số địa phương chủ động và sáng tạo ban hành các chính sách đặc thù nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về phát triển DNNVV trên địa bàn. Tiêu biểu như Hà Nội hỗ trợ DN thành lập mới trên địa bàn về phí công bố thông tin DN lần đầu, phí làm dấu; tư vấn miễn phí 1 năm thủ tục quyết toán thuế cho DN.
Tỉnh Long An hỗ trợ DN khởi nghiệp các thủ tục hành chính thuế khi mới thành lập và DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh được thuận lợi, nhanh chóng; thành lập 16 điểm hỗ trợ DN khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh để cung cấp thông tin và hỗ trợ miễn phí cho DN về các vấn đề liên quan đến thuế. Các tỉnh Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế… ban hành chính sách hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp.
Dù luật mới có hiệu lực 2 năm nay nhưng chính Bộ KH&ĐT - đơn vị “khai sinh” ra Luật Hỗ trợ DNNVV đã đề xuất sửa nghị định hướng dẫn thi hành luật cho sát thực tế.
Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra hàng loạt tồn tại khi triển khai luật chính sách hỗ trợ về thuế thu nhập DN, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế cho nhà đầu tư khởi nghiệp sáng tạo đã được quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV nhưng chưa thể áp dụng. Cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DNNVV thông qua bảo lãnh của quỹ bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DNNVV thời gian qua chưa đạt được như kỳ vọng.
Trước thực trạng trên, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương trong năm 2020 cần tập trung thực hiện những giải pháp như chủ động phổ biến, hướng dẫn các nội dung của luật để sớm đưa các chính sách hỗ trợ DNNVV vào cuộc sống.
“Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ DNNVV chưa đáp ứng được kỳ vọng của cộng đồng DNNVV. Dù Chính phủ đã ban hành các nghị định hướng dẫn triển khai luật nhưng đa số các bộ, ngành và địa phương vẫn còn lúng túng trong việc xây dựng các đề án, chương trình hỗ trợ DNNVV”, dự thảo của Bộ KH&ĐT cho biết.