Luật hóa chuyện từ chức

Cần phải luật hóa vấn đề từ chức, giống như cách chức, miễn chức, hạ chức. Khi nào thì cán bộ phải từ chức, mà chưa cần đến cách chức.

Trong tiếng Việt, hai chữ “từ chức” khá quen thuộc cùng với các từ "bãi chức", "cách chức". Nhưng xem ra “từ chức” ít được dùng, chưa được thịnh hành trong đời sống, có vẻ xa xỉ với môi trường quản lý hành chính thời nay.

Gần đây, trên các kênh thông tin, mạng xã hội bàn tán về chuyện ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 1 TP Hồ Chí Minh, được điều động và bổ nhiệm sang làm lãnh đạo một cơ quan khác. Sáng nhận quyết định, chiều ông nộp đơn xin từ chức. Theo ông, nguyên nhân từ chức vì công việc mới không phù hợp với khả năng, trình độ chuyên môn được đào tạo.

Vậy là có nhiều lời bàn ra tán vào, sôi động. Người thì khen ông có liêm sỉ, có văn hóa - văn hóa từ chức, một điều ở nước ta còn lạ lẫm. Kẻ thì bảo ông Hải không tôn trọng kỷ luật tổ chức đã phân công.

Hình như ở Việt Nam, hai chữ “từ chức" có gì dị ứng với các công chức, nhất là công chức có vị trí cao, có chức vụ trong bộ máy công quyền? Cách chức, hạ chức thì có, còn người xin từ chức có thể đếm chưa hết mười đầu ngón tay. Đã nhiều người vì bị kỷ luật, phải cách chức trong bộ máy của Đảng, chính quyền, đoàn thể, nhưng chưa mấy ai tự nguyện làm đơn từ chức khi đang đương chức. Kể cả khi anh ta là lãnh đạo cơ quan, đơn vị, do bất tài, yếu kém, không có năng lực để đơn vị làm ăn thua lỗ, thất thoát tài sản, tàn phá nền kinh tế, bị xã hội lên án.

Hiện nay, công luận rất bức xúc khi những lãnh đạo ngành giáo dục và đào tạo một số tỉnh phía Bắc đã để cho địa phương mình vi phạm nghiêm trọng kỳ thi THPT quốc gia năm 2018. Ở đó hàng loạt cán bộ dính vào vụ trục lợi, nhận sửa điểm cho thí sinh, đã vào vòng lao lý. Trước chứng cứ rõ ràng của những can phạm khai ra nhưng họ vẫn làm ngơ, chối tội. Có ông quan đầu tỉnh có con được nâng điểm (do cậy nhờ) còn nói ra những câu nghe đến hài hước như chuyện tiếu lâm: "Họ gắp điểm bỏ vào tay người khác".

Tại sao việc từ chức lại khó khăn và dị ứng với cán bộ, công chức đến như thế? Nó dị ứng như là căn bệnh ung thư, bệnh HIV. Bởi từ chức là mất địa vị, chức vụ. Mà chức vụ gắn liền với quyền lợi và ảnh hưởng trong xã hội. Mặt khác, ở Việt Nam có một nguyên tắc bất thành văn: Một người từ chức rồi thì khó mà quay trở lại được chức cũ. Thành ra, tâm lý là chây ì, làm ngơ, coi như không biết, cố đấm ăn xôi, chạy người chống lưng, bảo kê, mặc cho dư luận lên án, phẫn nộ. Có cán bộ khi được gợi ý nên từ chức thì nói cùn: “Tôi đã giữ chức vụ này bao nhiêu năm nay, là do Đảng cử, dân bầu. Tôi không xin, không đòi…” .

Người đời bình luận: Như thế là người không có liêm sỉ, không có lòng tự trọng, đã hạ thấp nhân phẩm của mình. Từ chức là hành vi có văn hóa của con người. Khi thấy có đủ khả năng làm việc thì nhận chức. Khi không đủ khả năng, trình độ thì từ chức. Khi đảm nhiệm chức vụ, quản lý để xảy ra những sai lầm, khuyết điểm, phải tự trọng nhận trách nhiệm về mình và từ chức để người khác thay thế. Đó là lẽ thường tình.

Cũng cần phải luật hóa vấn đề từ chức, giống như cách chức, miễn chức, hạ chức. Khi nào thì cán bộ phải từ chức, mà chưa cần đến cách chức. Phải coi từ chức là chuyện bình thường trong đời sống công chức, hành chính ở nước ta.

Thời Tam quốc (Trung Hoa) có chuyện Khổng Minh Gia Cát Lượng cử đại tướng Mã Tốc mang quân đi đánh Nhai Đình. Mã Tốc hợm hĩnh, kiêu ngạo, vi phạm quân lệnh, để thất bại thảm hại phải quay về nhận tội chết. Là người tổng chỉ huy ngoài mặt trận, Khổng Minh không hề có tội nhưng ông nhận mình chưa hoàn thành nhiệm vụ triều đình giao cho. Ông dâng biểu tâu vua rằng mình chưa làm tròn bổn phận của người chỉ huy thống soái, đã dùng người, tức Mã Tốc chưa đúng việc, dẫn tới hao binh tổn tướng, giảm sút uy tín của ba quân. Ông đề nghị vua giáng ông xuống ba cấp, cho nghiêm phép nước…

Chuyện xảy ra ở thế kỷ 3, còn bây giờ là thế kỷ 21. Hóa ra người xưa đã coi lòng tự trọng, từ chức nhẹ nhàng đến vậy sao?

LÝ YẾN NAM (TP Hải Dương)

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/luat-hoa-chuyen-tu-chuc-112036