Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Vướng mắc trong việc xác định quan hệ giữa các thành viên trong gia đình
Luật HNGĐ đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình để phù hợp hơn với thực tiễn. Tuy nhiên, quá trình áp dụng chế định này còn vướng mắc.
Về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: Quy định của Luật HNGĐ về việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là một bước tiến lớn, có tính nhân văn cao trong việc bảo đảm việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của công dân, tạo cơ chế pháp lý minh bạch, rõ ràng hơn trong việc ngăn chặn các hành vi trục lợi của việc mang thai hộ, tuy nhiên, để mục đích tốt đẹp của việc mang thai hộ đạt hiệu quả cao hơn cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn thể chế hoặc hướng dẫn áp dụng đối với việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của những cặp vợ chồng đã có con chung nhưng con bị khuyết tật hoặc bệnh về trí não, vợ chồng không thể sinh con tiếp nhưng không có quyền được nhờ người khác mang thai hộ, như vậy sẽ rất ảnh hưởng đến gia đình họ; nghiên cứu mở rộng đối tượng có thể mang thai hộ miễn sao họ có mục đích nhân đạo, hỗ trợ vợ chồng trong việc thực hiện quyền làm cha, làm mẹ; cơ chế pháp lý xử lý nghiêm những hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại; cơ chế giải quyết tranh chấp sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vì mục đích nhân đạo; cụ thể hóa về đối tượng được hưởng chế độ thai sản trong trường hợp lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ có được hưởng chế độ thai sản không nếu ngay sau khi sinh con, người mang thai hộ giao ngay con cho cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ nuôi dưỡng.
Về quan hệ giữa các thành viên trong gia đình: Luật HNGĐ đã sửa đổi, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ giữa các thành viên khác của gia đình để phù hợp hơn với thực tiễn, bảo đảm tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, quá trình áp dụng chế định này còn vướng mắc trong việc xác định trường hợp nào cha dượng, mẹ kế và con riêng của vợ hoặc của chồng khi cùng chung sống với nhau. có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, trường hợp nào không có do pháp luật chưa quy định căn cứ chứng minh việc nuôi dưỡng, chăm sóc lẫn nhau giữa con riêng và bố dượng, mẹ kế; thực tế rất khó xác định các trường hợp cha mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc phá tán tài sản của con hoặc có lối sống đồi trụy.
Luật HNGĐ quy định ông bà, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền thương yêu, chăm sóc, nuôi dưỡng; con cháu có bổn phận yêu quý, kính trọng, biết ơn, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ. Tuy nhiên, trong thực tế không ít trường hợp ông bà, cha mẹ ngược đãi con cháu và ngược lại nhưng lại không có chế tài đủ mạnh để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật trong vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật HNGĐ không quy định quyền và nghĩa vụ của “anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha” trong khi khoản 16 Điều 3 Luật HNGĐ giải thích khái niệm "thành viên gia đình" bao gồm các đối tượng này.
Về cấp dưỡng: Các quy định của Luật HNGĐ đã luật hóa nghĩa vụ cơ bản và quan trọng giữa cha, mẹ và con; giữa anh chị em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa vợ và chồng trong những trường hợp nhất định khi một bên cần sự hỗ trợ từ bên kia. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng còn một số khó khăn như: Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con thuộc diện cần được cấp dưỡng trong trường hợp ly hôn do một bên mất tích hoặc một bên vắng mặt chưa thực sự thỏa đáng, khi giải quyết ly hôn, Tòa án chỉ quyết định giao con cho bên có mặt trực tiếp nuôi mà không quyết định bên kia phải cấp dưỡng. Như vậy, quyền và lợi ích hợp pháp của con không được đảm bảo. Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con cần phải có những biện pháp thích hợp đối với tình huống này.
Thực tiễn xét xử cho thấy, nhiều trường hợp, do có điều kiện kinh tế nên người trực tiếp nuôi con không yêu cầu cấp dưỡng và Tòa án công nhận. Nhưng quyền nhận cấp dưỡng là quyền của người con khi cha mẹ ly hôn nên người trực tiếp nuôi dưỡng không có quyền từ chối cấp dưỡng. Việc từ chối cấp dưỡng sẽ dẫn tới quyền lợi chính đáng của người con không được đảm bảo. Tuy nhiên, Luật HNGĐ không quy định về vấn đề này.
Có nhiều trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng cố tình không thực hiện nghĩa vụ hoặc tìm cách tẩu tán tài sản để trốn tránh trách nhiệm, không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì pháp luật vẫn chưa có biện pháp cưỡng chế thỏa đáng và hiệu quả.
Áp dụng Điều 115 Luật HNGĐ còn vướng mắc trong việc xác định như thế nào là "khó khăn, túng thiếu", từ đó khó thực hiện do các vấn đề về chứng minh và không khả thi nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thiện chí. Quy định này cũng khó thực hiện vì thiếu chế tài ràng buộc.
Thực tiễn áp dụng quy định về mức cấp dưỡng tại Điều 116 Luật HGNĐ cho thấy còn tùy nghi, chưa thống nhất, nhiều trường hợp chưa bảo đảm quyền lợi của con sau khi ly hôn.