Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi: Giúp cơ sở y tế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Từ ngày 1/1/2024, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản hướng dẫn có hiệu lực thi hành, trong đó có một số nội dung mới trên quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Ảnh: Đức Trân.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Ảnh: Đức Trân.

Ngày 30/12/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 96 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Một số nội dung quan trọng đã được quy định chi tiết, bao gồm quy định mới trong cấp giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh và quản lý hành nghề, cụ thể hóa các nội dung về hướng dẫn thực hành trong khám, chữa bệnh, điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, gia hạn, điều chỉnh giấy phép hành nghề và đăng ký hành nghề trong khám, chữa bệnh, hoạt động của Hội đồng Y khoa quốc gia trong kiểm tra đánh giá năng lực người hành nghề.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh gồm 12 chương và 121 điều và có những điểm mới cơ bản. Trong đó, luật quy định mở rộng đối tượng hành nghề, thay đổi từ việc cấp chứng chỉ hành nghề bằng giấy phép hành nghề theo văn bằng chuyên môn. Luật đã nâng cao, chuẩn hóa kỹ năng của người hành nghề. Cụ thể, luật quy định phải kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện nhiệm vụ kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh. Luật cũng quy định giấy phép hành nghề có giá trị 5 năm và quy định cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Với những quy định về vấn đề nhân lực này sẽ giúp các cơ sở y tế có thể chuẩn hóa lại đội ngũ cán bộ y tế thực hiện công tác khám, chữa bệnh.

Đối với cấp giấy phép hoạt động và quản lý cơ sở khám, chữa bệnh, một số hình thức cơ sở khám, chữa bệnh đã được bổ sung, điều chỉnh, trong đó có một số loại hình cơ sở khám, chữa bệnh mới như phòng khám bác sĩ y khoa, phòng khám y sỹ, phòng khám liên chuyên khoa, cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình, cơ sở kính thuốc có thực hiện đo kiểm tra tật khúc xạ, cơ sở lọc máu…

Điều kiện, hồ sơ, thủ tục cấp mới, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động đã có sự điều chỉnh, tháo gỡ một số khó khăn và đồng thời giải quyết nhu cầu và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, tạo điều kiện phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Điểm nổi bật trong quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Nghị định số 96 là xếp cấp chuyên môn kỹ thuật các cơ sở khám, chữa bệnh dựa vào năng lực chuyên môn, năng lực hỗ trợ kỹ thuật, năng lực đào tạo thực hành và năng lực nghiên cứu khoa học. Việc xếp cấp chuyên môn kỹ thuật không phụ thuộc vào cấp hành chính mà hoàn toàn căn cứ vào năng lực chuyên môn của cơ sở khám, chữa bệnh.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị định cũng đã quy định chi tiết quy trình, hồ sơ, thủ tục liên quan đến áp dụng kỹ thuật mới phương pháp mới trong khám, chữa bệnh, trong đó, theo quy định của Luật, chỉ có 2 loại kỹ thuật mới, phương pháp mới, đó là kỹ thuật, phương pháp lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam hoặc lần đầu tiên áp dụng trên thế giới.

Như vậy, theo quy định của Luật và Nghị định, các cơ sở khám, chữa bệnh áp dụng các kỹ thuật lần đầu tiên tại cơ sở đó nếu không thuộc nhóm kỹ thuật lần đầu tiên áp dụng trên thế giới hay tại Việt Nam thì chỉ áp dụng thủ tục bổ sung danh mục kỹ thuật hoặc áp dụng quy định về chuyển giao kỹ thuật, các quy trình đã được đơn giản hóa so với quy định trước đây.

Quy định liên quan đến thử nghiệm lâm sàng đối với kỹ thuật mới, phương pháp mới, thử nghiệm lâm sàng thiết bị y tế cũng đã được quy định cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho việc đưa các kỹ thuật mới, phương pháp mới, thiết bị y tế mới vào Việt Nam hoặc được nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam có quy trình, hồ sơ, thủ tục chặt chẽ, áp dụng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Một trong những nội dung được bổ sung vào Luật và Nghị định là vấn đề huy động, điều động cơ sở khám, chữa bệnh tham gia hoạt động khám, chữa bệnh trong trường hợp xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A và tình trạng khẩn cấp. Đây cũng là những quy định tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn đã xảy ra trong thực tiễn chống đại dịch Covid-19 trong những năm vừa qua, cụ thể hóa Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Nghị quyết số 12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, những điểm mới tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh sẽ giúp cho các cơ sở y tế tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà Luật Khám bệnh, chữa bệnh trước đó không đáp ứng được nhu cầu về thực tiễn. Với tinh thần đặt người bệnh làm trung tâm và đặt chất lượng của dịch vụ khám chữa bệnh, công tác điều trị lên hàng đầu. Để nâng cao được chất lượng, rõ ràng chúng ta phải hài hòa về trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, nhà đầu tư trong xã hội hóa, liên doanh liên kết, trên cơ sở đó đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nâng tầm đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của người dân.

Theo PGS.TS.BS Vũ Văn Giáp - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, với những tiêu chuẩn về xếp hạng cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở y tế cần tự chuẩn hóa theo bộ tiêu chí mà Bộ Y tế ban hành, từ đây, các cơ sở y tế sẽ có lộ trình để chuẩn hóa và được nâng tầm, điểm này người dân sẽ trực tiếp được hưởng lợi từ dịch vụ y tế chất lượng cao. Qua đó, cả hệ thống y tế sẽ được phát triển đồng đều. Bên cạnh đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới đã tháo gỡ những điểm vướng về việc triển khai kỹ thuật mới.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/luat-kham-benh-chua-benh-sua-doi-giup-co-so-y-te-thao-go-kho-khan-vuong-mac-10271551.html