Luật Khám chữa bệnh sửa đổi… sửa gì 'lợi' bệnh nhân, bác sĩ?
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước.
Mới đây Quyền Chủ tịch nước đã công bố Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). PV Tri thức và Cuộc sống đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Huy Quang - nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế xung quanh vấn đề này.
Quyền lợi của người dân đi khám chữa bệnh được bảo đảm
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi lấy người bệnh làm trung tâm, như vậy quyền lợi của người dân khi khám, chữa bệnh được bảo đảm, thưa ông?
- Luật Khám chữa bệnh sửa đổi vừa được công bố đã tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Cùng với việc tiếp tục duy trì các hình thức tổ chức hành nghề, Luật đã thay đổi quy định từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn. Việc này giúp tối ưu hóa đầu tư phát triển chuyên môn kỹ thuật có trọng tâm, trọng điểm, có quy hoạch tránh dàn trải, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế.
Việc chia thành 3 cấp chuyên môn theo hướng xác định chức năng, mức độ cung cấp dịch vụ cùng với việc đẩy mạnh hoạt động chuyển giao kỹ thuật, thực hiện khám bệnh, chữa bệnh từ xa, kết hợp với sử dụng các công cụ về tài chính y tế như giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế sẽ từng bước chuẩn hóa chất lượng cung cấp dịch vụ, tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh ngay tại cơ sở.
Đồng thời, bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám, chữa bệnh giữa các cơ sở. Việc chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh hoàn toàn phụ thuộc vào năng lực kỹ thuật và phạm vi hoạt động chuyên môn, không lệ thuộc vào cấp hành chính.
Khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến phân hạng bệnh viện như: nhiều bệnh viện hạng 2 (chủ yếu tuyến huyện) đã thực hiện được một số dịch vụ kỹ thuật của tuyến tỉnh; hoặc một số bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được dịch vụ kỹ thuật của tuyến trung ương... nhưng không được nâng hạng hay như bệnh viện tuyến tỉnh, đặc biệt các bệnh viện chuyên khoa năng lực kỹ thuật có khi thấp hơn bệnh viện tuyến huyện nhưng vẫn là nơi bệnh viện tuyến huyện phải chuyển người bệnh lên.
Điều người bệnh quan tâm là chất lượng khám chữa bệnh giữa các tuyến?
- Thời gian qua, dù đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vẫn còn nhiều bất cập như khả năng cung cấp dịch vụ không đồng đều giữa các vùng miền; y tế cơ sở chậm phát triển dẫn đến tình trạng quá tải các bệnh viện tuyến cuối. Luật đã bổ sung quy định bắt buộc cơ sở phải tự phải đánh giá chất lượng khám, chữa bệnh theo bộ tiêu chuẩn chất lượng cơ bản do Bộ Y tế ban hành theo định kỳ hằng năm và phải cập nhật kết quả tự đánh giá lên Hệ thống thông tin để làm căn cứ cho việc kiểm tra, đánh giá cũng như công khai thông tin về mức độ chất lượng của các cơ sở khám, chữa bệnh. Việc này nhằm mục tiêu từng bước liên thông kết quả khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở, tạo thuận lợi cho người bệnh đồng thời cũng là giải pháp để quản lý hoạt động hành nghề của các tổ chức, cá nhân.
Đối với cán bộ công tác trong ngành y tế, Luật có tác động thế nào?
- Luật Khám chữa bệnh sửa đổi có rất nhiều quy định mới liên quan tới công tác cán bộ như việc thay đổi phương thức cấp giấy phép hành nghề. Theo đó, người muốn được cấp giấy phép hành nghề bắt buộc phải qua kỳ thi đánh giá năng lực do Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức.
Luật đưa ra quy định là giấy phép hành nghề của nhân viên y tế có giá trị 5 năm và cập nhật kiến thức y khoa là một trong các điều kiện để gia hạn giấy phép hành nghề. Tôi cho rằng, quy định nêu trên là một trong các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng của người hành nghề. Người hành nghề sẽ phải thực hiện việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục, hạn chế tối đa các sai sót chuyên môn y tế. Việc quy định giấy phép hành nghề có thời hạn cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng một người không còn hành nghề nhưng chứng chỉ hành nghề vẫn tồn tại trên hệ thống quản lý.
Khắc phục tình trạng thu không đủ chi tại cơ sở y tế
Luật Khám chữa bệnh sửa đổi được cho là sẽ góp phần khắc phục tình trạng thu không đủ chi tại cơ sở y tế, ông đánh giá sao về ý kiến này?
- Về giá dịch vụ khám chữa bệnh, Luật quy định cụ thể các yếu tố hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đồng thời quy định giá khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước bảo đảm được tính đúng, tính đủ theo lộ trình do Chính phủ quy định.
Giá khám chữa bệnh được quy định tại Luật đã khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế như sử dụng yếu tố phân hạng bệnh viện là căn cứ để xác định mức giá khám bệnh, ngày giường điều trị. Không làm xáo trộn hệ thống khám bệnh, chữa bệnh hiện hành và có thể áp dụng ngay sau khi Luật được ban hành do vẫn giữ nguyên hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo 4 cấp hành chính gồm: Trung ương, tỉnh, huyện và xã.
Luật cũng được cho rằng sẽ khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tự chủ tại các cơ sở y tế?
- Luật đã bổ sung quy định cụ thể về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được Nhà nước bảo đảm kinh phí để thực hiện chức năng, nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao" đồng thời cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước được tự chủ trong quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phục vụ người bệnh, thân nhân của người bệnh, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh. Quy định nêu trên được xem như “bệ đỡ” với những cơ sở y tế công lập dù đã nỗ lực hết sức nhưng chưa đảm bảo được cân đối thu chi (tức là thu không đủ bù chi thì Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách trả lương cho cán bộ y tế), hoặc Nhà nước đặt hàng những nhiệm vụ cần thiết và cơ sở được trả chi phí.
Luật cũng bổ sung quy định về các hình thức huy động nguồn lực, trong đó khẳng định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế; Thuê, cho thuê tài sản, dịch vụ lâm sàng, dịch vụ cận lâm sàng, dịch vụ phi y tế, dịch vụ nhà thuốc, quản lý vận hành cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Mua trả chậm, trả dần; thuê, mượn thiết bị y tế.
- Trước hết, Bộ Y tế phải ban hành hàng loạt thông tư hướng dẫn thực hiện. Tôi cho rằng trong năm 2023 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế là cần phải dốc toàn lực để xây dựng văn bản dưới Luật nhằm hướng dẫn thi hành các quy định như tự chủ bệnh viện, xã hội hóa, giá dịch vụ khám chữa bệnh.
Thứ hai là làm tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đưa Luật Khám chữa bệnh vào cuộc sống. Các cơ sở khám chữa bệnh nhà nước cần có bước chuẩn bị để đến khi Luật có hiệu lực phải tổ chức thực thi bằng các điều kiện bảo đảm như đầu tư về cơ sở vật chất, quy trình chuyên môn, công nghệ thông tin, công tác nhân sự, bảo đảm yêu cầu tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, đào tạo kỹ năng thực hành y khoa.
Bộ Y tế cũng cần có các chỉ đạo để áp dụng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào công tác khám chữa bệnh, bởi nếu làm tốt điều này thì việc quản lý hệ thống dữ liệu sức khỏe quốc gia, quản lý nguồn tài chính tại các cơ sở y tế sẽ minh bạch và người dân cũng được giám sát. Chẳng hạn, nếu các cơ sở áp dụng đồng loạt bệnh án điện tử thì không chỉ tiện lợi cho các cơ sở y tế mà người dân cũng được lợi.
Xin cảm ơn ông!
Mời độc giả xem thêm video Bệnh viện Ninh Thuận thừa nhận có sai sót khi xét nghiệm nồng độ cồn của nữ sinh tử vong