Luật Làng của Indonesia thúc đẩy đáng kể du lịch tại các làng quê

Bộ Làng, Phát triển các vùng khó khăn và Di cư (PDTT) cho biết Luật số 6 năm 2014 liên quan đến làng (còn được gọi là Luật Làng) đã mang lại tiến bộ nhanh chóng trong việc phát triển ngành du lịch tại các làng quê của Indonesia, hãng thông tấn Ankara của Indonesia đưa tin.

Làng Wae Rebo nằm ở tiểu khu Satarmase, Đông Nusa Tenggara là một trong số những ngôi làng độc đáo và nổi tiếng thế giới của Indonesia. Ảnh: Inclovermag

Làng Wae Rebo nằm ở tiểu khu Satarmase, Đông Nusa Tenggara là một trong số những ngôi làng độc đáo và nổi tiếng thế giới của Indonesia. Ảnh: Inclovermag

"Thông qua Luật Làng, chính quyền các làng, xã giờ đây có thể quản lý độc lập tiềm năng tự nhiên và văn hóa của họ, vốn từng thuộc quyền quản lý của các tác nhân bên ngoài", Giám đốc Phát triển Cơ sở vật chất và Cơ sở hạ tầng của làng thuộc Bộ PDTT Nursaidi cho biết trong bài phát biểu tại hội nghị thanh niên quốc gia ở Padang, Tây Sumatra hôm 6.8. Hội nghị thanh niên quốc gia do Đại học Andalas tổ chức với chủ đề "Hợp tác văn hóa trong cuộc thám hiểm các ngôi làng ở thiên đường tiềm ẩn".

Ông Nursaidi lưu ý, trước khi đạo luật này ra đời, hiếm khi tìm thấy các cộng đồng nông thôn và chính phủ quản lý tiềm năng của làng mình trong lĩnh vực du lịch. Việc ban hành Luật Làng sau đó đã thay đổi đáng kể tình hình, vì văn kiện này mang lại cho các cộng đồng và chính quyền nông thôn cơ hội bình đẳng, giống như cơ hội mà chính quyền cấp huyện, thành phố và tỉnh được trao, để quản lý độc lập tài sản và tiềm năng của họ ở khu vực.

Hơn nữa, người dân và bộ máy chính quyền ở các làng, xã giờ đây có thể khai thác các tài sản hữu hình và phi vật thể có giá trị du lịch cao của làng mình, chẳng hạn như các khu rừng, bãi biển, hệ sinh thái sông ngòi, các tòa nhà, kiến trúc cổ, nghệ thuật truyền thống, công nghệ sản xuất vải batik và các địa điểm văn hóa làng xã khác.

Ông khẳng định: “Luật Làng có thể hoạt động một cách tối ưu như một cơ sở pháp lý miễn là các làng sẵn sàng và có khả năng chuyển các giá trị kinh tế và xã hội của tài sản thành doanh thu của làng”.

Ông cũng giải thích thêm rằng các bộ ngành liên quan nên thực hiện các biện pháp toàn diện và tổng hợp theo nhu cầu của người dân, dựa trên dữ liệu vi mô được thu thập tại các làng, nhằm phát triển và trao quyền cho các cộng đồng ở khu vực nông thôn.

Hơn nữa, ông giải thích rằng những nỗ lực phát triển các làng phải được thực hiện bằng cách duy trì nguyên tắc không ai bị bỏ lại phía sau, để mọi người đều có thể hưởng lợi từ quá trình phát triển.

Để đạt được mục tiêu đó, kể từ năm 2021, Bộ PDTT đã sử dụng các điểm liên quan của Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs) làm tài liệu tham khảo để thúc đẩy sự phát triển bền vững của các làng, ông nhấn mạnh.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-gioi-24h/luat-lang-cua-indonesia-thuc-day-dang-ke-du-lich-tai-cac-lang-que-i339252/