Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự trong tình hình mới

Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là lực lượng quần chúng được hình thành và phát triển qua các thời kỳ cách mạng, có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ quan trọng, là cánh tay nối dài hỗ trợ lực lượng Công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở.

Hiện nay, có 3 lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách, được quy định ở các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, chưa có văn bản thống nhất. Chính vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Công an chủ trì xây dựng dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo đúng trình tự, thủ tục quy định pháp luật.

Lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là cánh tay nối dài của Công an cơ sở, góp phần đắc lực nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở địa phương

Lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng là cánh tay nối dài của Công an cơ sở, góp phần đắc lực nhiệm vụ đảm bảo ANTT ở địa phương

Việc ban hành dự án Luật này rất cần thiết, tất yếu khách quan, nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở có sở.

Với quan điểm “Lấy dân làm gốc, là trung tâm, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở, vì sự bình yên, hạnh phúc của nhân dân” là nguyên tắc cơ bản, mục tiêu xuyên suốt của dự thảo Luật, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó lực lượng Công an làm nòng cốt và phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Công an luôn phối hợp chặt chẽ với đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm ANTT địa bàn

Công an luôn phối hợp chặt chẽ với đội ngũ bảo vệ dân phố, dân phòng để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm ANTT địa bàn

Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là cụ thể hóa đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội được xác định trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ an ninh quốc gia, Hiến pháp, Luật Công an nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc thống nhất, tổ chức lại lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bảo đảm không làm tăng biên chế, không làm tăng chi ngân sách nhà nước, không chồng chéo, không mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác.

Thực tế hiện nay, trên địa bàn các xã, lực lượng dân phòng, bảo vệ dân phố và Công an xã bán chuyên trách là lực lượng gần dân nhất, nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đang rất tích cực hỗ trợ lực lượng Công an chính quy thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, qua đó tình hình an ninh, trật tự ở địa bàn cơ sở có sự chuyển biến rõ nét hơn.

Tuy nhiên, về tổ chức và hoạt động của các lực lượng này chưa thống nhất, bộc lộ những vướng mắc, bất cập, nhất là về chính sách, pháp luật, điều này đã gây ra nhiều khó khăn trong lãnh đạo, quản lý, duy trì, củng cố, phát huy vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, làm giảm hiệu quả hoạt động, đòi hỏi cần có một văn bản pháp luật điều chỉnh bảo đảm thống nhất, phù hợp với thực tiễn đặt ra và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, hiện nay Bộ Công an đã bố trí nhiều cán bộ, chiến sỹ Công an tại các xã, thị trấn trên toàn quốc để duy trì, bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở, với phương châm “gần dân, hiểu dân, trọng dân, giúp đỡ nhân dân”, “lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn mỏng và thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở đang đặt ra. Do đó cần phải huy động và phát huy hơn nữa vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để tham gia xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội ngày từ đầu, từ sớm, từ xa, từ cơ sở.

Xuất phát từ các lý do trên, Bộ Công an đã nghiên cứu, kế thừa các quy định của pháp luật hiện hành và phối hợp với các cơ quan chức năng, các Ủy ban của Quốc hội xây dựng Dự án Luật lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và tổ chức tiếp thu, giải trình tối đa các ý kiến tham gia của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức và các tầng lớp nhân dân để hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 6, nhằm kiện toàn thống nhất các lực lượng như: Công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018, bảo vệ dân phố và các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng, thành một lực lượng thống nhất có vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ Công an cấp xã trong thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-bao-ve-an-ninh-trat-tu-trong-tinh-hinh-moi-post558751.antd