Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi): Sớm đưa luật vào cuộc sống
Tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trong đó, có nhiều nội dung hướng tới nạn nhân là trẻ em, phòng từ sớm, từ xa những hành vi bạo lực. Để những nội dung mới, tiến bộ này sớm đi vào cuộc sống, Chính phủ cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn, đồng thời tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân.
Tạo môi trường sống an toàn cho trẻ em
Điểm nổi bật lớn nhất mà Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) là trẻ em luôn là đối tượng đầu tiên mà Luật hướng tới để bảo vệ khỏi bạo lực cũng như ảnh hưởng của các hành vi bạo lực gia đình. Trong quá trình xét xử các vụ việc liên quan đến bạo lực gia đình, quyền và lợi ích của trẻ em khi trẻ là nạn nhân trực tiếp hoặc gián tiếp bị ảnh hưởng của các hành vi bạo lực gia đình đều được đặt lên hàng đầu với nguyên tắc bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ..
Đơn cử tại Khoản 6, Điều 5 Luật quy định: Ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của thành viên yếu thế trong gia đình (phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con nhỏ, trẻ em…); hay Khoản 2 Điều 31 nêu rõ: Ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ mang thai, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật. Và, khi bạo lực gia đình xảy ra, trẻ em cũng là đối tượng ưu tiên trước nhất được bảo vệ, hỗ trợ; đặc biệt bạo lực với trẻ em là “tình tiết tăng nặng trong xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình”.
Từ cách tiếp cận phòng hơn chống, Luật đã dành một mục lớn để quy định về biện pháp hỗ trợ, kiểm soát hành vi bạo lực gia đình nhằm ngăn chặn, đẩy lùi hành vi bạo lực gia đình đối với trẻ em từ sớm, từ xa. Trong đó, quy định rõ ràng, cụ thể về biện pháp kiểm soát hành vi bạo lực (Điều 53); giáo dục kiến thức pháp luật cho người có hành vi bạo lực (Điều 54); giáo dục kỹ năng kiểm soát cho người có hành vi bạo lực gia đình (Điều 55) và cai nghiện rượu, bia đối với trường hợp gây bạo lực gia đình (Điều 56).
Đây là những điểm mới, nổi bật để phòng tránh, đẩy lùi nguy cơ bạo lực gia đình, từ đó tạo ra môi trường sống an toàn cho trẻ; đồng thời nêu cao trách nhiệm của gia đình và xã hội trong việc bảo vệ trẻ em khỏi các hành vi, nguy cơ bạo lực từ sớm.
Luật hóa trách nhiệm của chính quyền địa phương
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống luật bạo lực gia đình, nhất là trong việc phối hợp xử lý các vụ việc bạo lực, bạo lực với trẻ em. Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đã luật hóa trách nhiệm của chính quyền nhằm bảo vệ nạn nhân nói chung và nạn nhân là trẻ em nói riêng khỏi nguy cơ tái diễn bạo lực gia đình. Điều 50 quy định: “Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; thành viên Ban công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thôn, tổ dân phố; chi hội trưởng các tổ chức chính trị - xã hội; công an cấp xã có trách nhiệm giám sát người có hành vi bạo lực gia đình sau khi được xử lý theo quy định của pháp luật”.
Đồng thời, Luật cũng quy định trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn bạo lực gia đình cùng như các cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm thực hiện và xã hội hóa công tác này để bảo vệ trẻ em. Trong đó, trách nhiệm từ trung ương đến địa phương; từ các bộ, ban ngành đến các tổ chức xã hội, chính quyền sở tại. Ngoài ra, Luật cũng đã bổ sung tiêu chuẩn đối với hòa giải viên, nhân viên tư vấn, nhân viên hỗ trợ…; hỗ trợ khẩn cấp như nhu cầu thiết yếu như chỗ ở, ăn mặc, vật dụng cá nhân phù hợp với lứa tuổi nhằm bảo đảm những điều kiện tốt nhất cho trẻ em.
Có thể thấy, Luật đã có những bước tiến đáng kể trong việc quy định rõ hơn những vấn đề liên quan đến bảo vệ trẻ em trước hành vi bạo lực. Để Luật sớm đi vào cuộc sống, các bộ, ngành liên quan cần sớm có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, cơ quan, tổ chức, nhất là những điểm mới. Đồng thời sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; chú trọng đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cho người làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình; bố trí, huy động đủ nguồn lực cho việc tổ chức thi hành Luật, nhất là ở cấp cơ sở. Bên cạnh đó, để góp phần hạn chế tình trạng bạo lực gia đình, bạo lực với phụ nữ, trẻ em… không chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình mà cũng cần tổ chức thi hành tốt các vấn đề liên quan như bình đẳng giới, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, trợ giúp xã hội, phòng, chống tác hại của rượu bia, xử lý vi phạm hành chính...