Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật liên quan đến việc trả lại tiền sính lễ sau khi hủy hôn

Bạn đọc L.N.Q. hỏi: Tôi và anh T.V.L. quen biết và được hai bên gia đình đồng ý cho kết hôn. Tháng 6-2023, chúng tôi tổ chức lễ ăn hỏi. Tại đây, gia đình anh L. có tặng tiền sính lễ là 20 triệu đồng cùng 20 chỉ vàng 24 kara và hẹn tổ chức lễ cưới vào đầu tháng 8-2023.

Tuy nhiên, trước ngày cưới, tôi phát hiện anh L. dù đã không còn sống chung với vợ cũ nhưng chưa làm thủ tục ly hôn. Vì vậy, tôi yêu cầu hủy hôn. Anh L. dọa kiện yêu cầu tôi phải trả toàn bộ tiền và sính lễ. Vậy tôi có phải trả cho anh L. hay không?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Việc trao và nhận sính lễ giữa nhà trai và nhà gái có thể xem là một hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản. Theo quy định tại Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên (cụ thể trong trường hợp này là nhà trai và nhà gái). Theo đó, bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

Trong đó, hợp đồng tặng cho tài sản chia làm 2 loại:

- Hợp đồng tặng cho tài sản không có điều kiện. Điều 457 Bộ luật Dân sự 2015 quy định bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.

- Hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Theo quy định tại Điều 462 Bộ luật Dân sự 2015, bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.

Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên, việc tặng quà sính lễ và yêu cầu nhà gái phải đồng ý kết hôn với anh L. không phải là điều kiện trong hợp đồng tặng cho tài sản; dù bên anh L. có đặt điều kiện bên nhà gái không được hủy hôn, nếu hủy hôn phải trả lại sính lễ thì cũng không phù hợp với Luật Hôn nhân và gia đình 2014 vì Luật đã nêu rõ kết hôn dựa trên tinh thần tự nguyện của các bên nên nếu các bên không tự nguyện thì không được phép ép buộc.

Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật bao gồm:

- Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định dưới đây yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình 2014:

+ Vợ, chồng của người đang có vợ, có chồng mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

+ Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

+ Hội liên hiệp phụ nữ.

- Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện việc kết hôn trái pháp luật thì có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định nêu trên yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật.

Hơn nữa, nguyên nhân do chị không đồng ý kết hôn với anh L. là do anh này chưa làm thủ tục ly hôn với vợ. Nếu chị đồng ý kết hôn với anh L. là chị đã vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Do đó, số tiền vàng sính lễ chị có quyền không trả lại anh L.

GLO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-lien-quan-den-viec-tra-lai-tien-sinh-le-sau-khi-huy-hon-post254361.html