Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật trả lời bạn đọc N.K. (huyện Kông Chro)

Bạn đọc N.K. (huyện Kông Chro) hỏi: Ở thôn tôi, nhiều người tự chế tạo súng để dùng cho việc đi săn. Vậy hành vi chế tạo, sử dụng súng tự chế có vi phạm pháp luật không? Và chế tài của pháp luật được quy định như thế nào?

- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:

Súng tự chế được định nghĩa là dạng vũ khí được chế tạo theo hình thức thủ công bằng tay hoặc nhờ vào công nghệ, máy móc, thường được sử dụng vào mục đích săn bắn. Súng tự chế là một loại vũ khí có kết cấu đơn giản và không theo các thông số kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, độ sát thương rất cao, tương đương với các loại súng chuyên dụng.

Khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ hoặc chi tiết, cụm chi tiết để lắp ráp vũ khí, công cụ hỗ trợ là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng trái phép súng tự chế là hành vi vi phạm pháp luật.

Hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng súng tự chế có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự tùy theo tính chất mức độ vi phạm.

Khoản 4 Điều 11 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm” quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau:

“a) Chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

b) Chiếm đoạt vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ; chi tiết, cụm chi tiết vũ khí, công cụ hỗ trợ hoặc phụ kiện nổ;

c) Chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép các loại vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc các chi tiết, cụm chi tiết để sản xuất, chế tạo vũ khí, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng tương tự…”.

Ngoài ra, hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; tước quyền sử dụng giấy phép sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trong thời hạn 3-6 tháng.

Căn cứ tại Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ như sau:

“Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Mức phạt cao nhất cho tội này có thể lên tới 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 1 năm đến 5 năm”.

Trường hợp nếu hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán có gây thiệt hại cho người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

GLO

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/luat-su-bui-thanh-vu-tu-van-phap-luat-tra-loi-ban-doc-nk-huyen-kong-chro-post241488.html