Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật trả lời bạn đọc Y.R. (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê)
Bạn đọc Y.R. (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê) hỏi: Tôi có một thửa đất trồng cây ăn quả. Gần đây, tôi phát hiện vườn cây ăn quả của mình bị mất trộm nhiều lần nên muốn kéo dây điện trần bằng kẽm xung quanh vườn để chống trộm. Vậy việc kéo dây điện để chống trộm có vi phạm pháp luật hay không?
- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:
Bạn không nên dùng biện pháp chống trộm bằng việc kéo dây điện xung quanh vườn nhà mình vì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Điều 59 Luật Điện lực năm 2004 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) quy định:
“1. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp là dùng nguồn điện có mức điện áp thích hợp đấu nối trực tiếp vào hàng rào, vật cản, vật che chắn của khu vực được bảo vệ (sau đây gọi chung là hàng rào điện) để ngăn cản việc xâm phạm khu vực được bảo vệ và phát tín hiệu báo động cho người bảo vệ khu vực đó biết.
2. Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp chỉ được thực hiện khi sử dụng các biện pháp bảo vệ khác không hiệu quả và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
3. Hàng rào điện phải được thiết kế, lắp đặt tránh được mọi tiếp xúc ngẫu nhiên đối với người và gia súc, có biển báo nguy hiểm, không gây ảnh hưởng tới hoạt động của hệ thống điện, không gây nguy hiểm cho khu vực lân cận và môi trường sống. Người quản lý, sử dụng hàng rào điện phải được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ về điện”.
Mặt khác, hành vi kéo hàng rào điện của bạn có thể tước đi tính mạng của người khác hoặc kẻ trộm do họ bị điện giật. Khi đó, bạn có thể bị điều tra, khởi tố, truy tố, xét xử về tội vô ý làm chết người được quy định tại Điều 128 Bộ luật Hình sự:
“Người nào vô ý làm chết người thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Phạm tội làm chết 2 người trở lên thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm”.
Ngoài ra, trong trường hợp bạn bị Tòa án nhân dân xét xử về tội phạm đã nêu trên thì bạn còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại theo quy định tại khoản 1 Điều 584, Điều 590 và Điều 591 Bộ luật Dân sự 2015:
Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm gồm:
- Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 Bộ luật Dân sự 2015;
- Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
- Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Thiệt hại khác do luật quy định.
- Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 591 và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá 100 lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.