Luật sư Bùi Thanh Vũ tư vấn pháp luật về thừa kế đối với di sản để lại
* Bạn đọc T.V.L. hỏi: Trước đây, mẹ tôi có quan hệ tình cảm với một người đàn ông rồi sinh ra tôi. Khi làm giấy khai sinh cho tôi, mẹ chỉ ghi tên mình, không ghi tên cha tôi.
Nay tôi được biết cha tôi là ông N.V.H. đã chết năm 2023. Cha tôi có để lại căn nhà và thửa đất nhưng không có di chúc. Vậy tôi có thể yêu cầu xác định ông H. là cha đẻ của tôi không? Và tôi có được hưởng thừa kế đối với di sản của cha tôi để lại không?
- Luật sư Bùi Thanh Vũ-Trưởng Văn phòng Luật sư Vinh Phú kiêm Trưởng Chi nhánh Gia Lai-trả lời:
Theo Điều 19 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 87/2020/NĐ-CP và Nghị định số 104/2022/NĐ-CP quy định việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con xuất trình, nộp giấy tờ, hồ sơ tại UBND cấp xã gồm: tờ khai nhận cha, mẹ, con theo mẫu quy định; giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ cha-con hoặc quan hệ mẹ-con; bản sao giấy tờ chứng minh nhân thân.
Để chứng minh quan hệ cha con, người yêu cầu đăng ký phải nộp các giấy tờ theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 04/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp, được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 09/2022/TT-BTP và Thông tư số 04/2024/TT-BTP quy định chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
- Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định và có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
Trường hợp việc xác định ông H. là cha đẻ của bạn có tranh chấp thì bạn có quyền khởi kiện vụ án xác định cha cho con tại tòa án. Trên cơ sở giám định ADN, tòa án sẽ quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bạn hay không.
Trường hợp nếu bạn là con ruột của ông H. thì di sản thừa kế của ông H. sẽ được phân chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015 vì trường hợp nêu trên thuộc trường hợp “không có di chúc” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 650 Bộ luật Dân sự năm 2015.
Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Như vậy, bạn thuộc hàng thừa kế thứ nhất (còn được gọi là người thừa kế hợp pháp ưu tiên thứ nhất) đối với di sản của cha bạn chết để lại, không có di chúc. Bạn và các hàng thừa kế thứ nhất khác sẽ được ưu tiên trong việc thừa kế tài sản của người chết khi chia thừa kế theo pháp luật.