Luật sư chỉ 'nút thắt' trong vụ Giám đốc TTGDTX bị xử 5 năm tù

Các chuyên gia cho rằng nếu không xử đúng người, đúng tội sẽ rất dễ tạo ra sự mất công bằng trong xã hội.

Về vụ án bà Lê Thị Dung – Giám đốc Trung tâm GDTX tỉnh Nghệ An bị kết án 5 năm tù với cáo buộc nhiều lần thanh toán trái quy định, chiếm đoạt gần 45 triệu đồng. Theo nhiều ý kiến, cần xem xét kỹ lưỡng lại vụ án để tránh oan sai, gây bức xúc trong xã hội.

Cần làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân

Trao đổi với

Người Đưa Tin

, Tiến sỹ, Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) bày tỏ: “Tôi cho rằng trong vụ án hình sự này cần phải làm rõ cả vấn đề tội danh và vấn đề hình phạt, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan khi để sự việc xảy ra nhiều năm mà không phát hiện, không có biện pháp ngăn chặn, xử lý gì”.

Cùng với đó, vị luật sư cho rằng đây là vụ án hình sự phức tạp, bị cáo kêu oan, bởi vậy tòa án cấp phúc thẩm sẽ thận trọng xem xét đánh giá toàn diện các tình tiết của vụ án để xác định các dấu hiệu cấu thành tội phạm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật.

“Đây là một vụ án phức tạp liên quan đến lĩnh vực đặc thù là giáo dục, đặc biệt là GDTX. Trong quá trình nhà nước đang đẩy mạnh đổi mới giáo dục, thực hiện tự chủ trong giáo dục, có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh việc tổ chức hoạt động cũng như là về quản lý tài chính trong lĩnh vực giáo dục nói chung và GDTX nói riêng có thể kể đến các văn bản: Thông tư số 71 của Bộ Tài chính, Nghị định số 16 của Chính phủ, Nghị định số 43 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập”, ông Đặng Văn Cường cho hay.

TS,LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội).

TS,LS Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư Tp.Hà Nội).

Luật sư cho rằng theo nội dung vụ án thì hành vi vi phạm của bị cáo kéo dài nhiều năm, trong quá trình này thì cũng có rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật đã được sửa đổi bổ sung về cơ chế quản lý, về quy chế tài chính và các vấn đề có liên quan, đặc biệt là lĩnh vực GDTX.

Bởi vậy để giải quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật vụ án này thì tòa án cấp phúc thẩm cần kiểm tra rà soát tất cả các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trung tâm GDTX để giải quyết vụ án một cách công bằng, đúng pháp luật.

Trong trường hợp này, tại thời điểm sự việc xảy ra mà không có văn bản pháp luật quy định cụ thể là quy chế chi tiêu nội bộ phải có sự phê duyệt của Sở GD&ĐT thì mới được tổ chức thực hiện thì hành vi của bị cáo không phạm tội.

Đây là vấn đề quan trọng quyết định đến việc bị cáo có oan hay không oan. Ngoài ra cũng cần xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan trong trường hợp có căn cứ cho thấy quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng công khai, thông tin công khai cho các cơ quan chức năng và nhiều cơ quan cùng công nhận hiệu lực, tổ chức thực hiện quy chế này.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đọc các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Lê Thị Dung.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên đọc các lệnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với bị can Lê Thị Dung.

Tuyên án 5 năm liệu có đúng?

Về mức án trong vụ án này, ông Cường đánh giá: “Trường hợp nếu bà Dung có tội thì việc kết án 5 năm tù không sai. Theo quy định tại điều 54 bộ luật hình sự thì trường hợp người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điều 51 bộ luật hình sự trở lên thì có thể chuyển sang khung hình phạt khác liền kề nhẹ hơn. Bởi vậy, trong trường hợp bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội phải được xác định là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả, bản thân có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình làm việc thì có thể được chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm”.

Tuy nhiên, trong vụ án này, tòa án cấp sơ thẩm cho rằng bà Dung không thành khẩn khai báo, không nhận tội nên không được áp dụng điều 54 của bộ luật hình sự để chuyển khung hình phạt. Thông thường thì khi bị cáo đã kêu oan thì mức hình phạt 1 năm hay 5 năm là như nhau, nhiều bị cáo kêu oan thì dù tòa tuyên 1 ngày tù họ cũng không chấp nhận, bởi vậy bị cáo không kháng cáo về hình phạt mà chỉ kháng cáo kêu oan và cho rằng việc kết tội như vậy là oan sai.

“Đây là vụ án phức tạp, dư luận có nhiều thông tin trái chiều, bản thân bị cáo bức xúc và kháng cáo kêu oan. Bởi vậy, tòa án cấp phúc thẩm cẩn thận trọng trong việc xem xét đánh giá toàn bộ các tình tiết có liên quan đến vụ án, làm rõ các dấu hiệu cấu thành tội phạm”, vị luật sư cho biết.

Đặc biệt là quy định của pháp luật về việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị sự nghiệp công để xác định hành vi của bị cáo có vi phạm pháp luật hay không, mức độ xử lý như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật. Trường hợp không đủ căn cứ để kết tội thì phải sửa bản án sơ thẩm để tuyên bố bị cáo không phạm tội và phục hồi các quyền công dân của bị cáo theo quy định của pháp luật.

Hoàng Bích - Hoa Trà

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/luat-su-chi-nut-that-trong-vu-giam-doc-ttgdtx-bi-xu-5-nam-tu-a606003.html