Luật sư đề nghị cho cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh được hưởng án bằng thời gian tạm giam

Tại phần tranh tụng tài, luật sư bào chữa cho cựu bộ trưởng Bộ KH-CN Chu Ngọc Anh, cho rằng lỗi sai của thân chủ mình không nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự

Sáng nay 9-1, phiên tòa xét xử 2 cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị cáo trong vụ Việt Á tiếp tục phần tranh luận, các luật sư nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ của mình.

Cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại phiên tòa vụ Việt Á. Ảnh: Huệ Nguyễn

Cựu bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại phiên tòa vụ Việt Á. Ảnh: Huệ Nguyễn

Trong phần luận tội, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TP Hà Nội cáo buộc cựu bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng đã lợi dụng chức vụ đưa ra chủ trương và chỉ đạo trái pháp luật để giúp cho công ty Việt Á được tiêu thụ nhiều kit test, vật tư… trên địa bàn tỉnh này. Qua đó, bị cáo Thăng đã nhận của Phan Quốc Việt, tổng giám đốc Việt Á, 100.000 USD và Phạm Duy Tuyến, cựu giám đốc CDC tỉnh Hải Dương, 600 triệu đồng cùng 50.000 USD.

Tại phiên tòa sáng 9-1, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội; bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng) cho biết trên thực tế việc chống dịch tại Hải Dương phức tạp, khó khăn hơn nhiều so với các nơi khác như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hà Nội… trước đây. Bởi quy mô và loại virus biến chủng tại Hải Dương với tốc độ lây lan cao gấp nhiều lần dù bệnh không nặng lên.

"Với bối cảnh tình hình như trên, đây là sự kiện khủng hoảng y tế đặc biệt nghiêm trọng đối với Hải Dương, chưa có trong tiền lệ. Do đó, Thủ tướng Chính Phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng đã có chỉ đạo cấp thiết về công tác phòng, chống dịch tại Hải Dương"- luật sư Cường phân tích.

Theo luật sư Cường, với vai trò người đứng đầu cấp ủy nên thân chủ của ông phải có các chỉ đạo để ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh thời điểm này để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Do vậy, đây cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến hành vi vi phạm của bị cáo Phạm Xuân Thăng.

Phiên tòa xét xử đại án Việt Á

Bên cạnh đó, động cơ để bị cáo Thăng có chỉ đạo Công ty cổ phần công nghệ Việt Á tham gia xét nghiệm tại tỉnh Hải Dương vào ngày cuối tháng 1-2021 là do tình hình dịch bệnh cấp bách. Thời điểm này, bị cáo chưa gặp hay có liên hệ với bị cáo Phan Quốc Việt cũng như nhận bất kỳ lợi ích vật chất nào từ Việt cũng như những bị cáo khác. Ngoài ra, thời điểm cuối tháng 1/2021, bị cáo Thăng nhận thức Công ty Việt Á là đơn vị có năng lực xét nghiệm, có đủ điều kiện để cung cấp kit test và hỗ trợ máy móc, nhân lực để hỗ trợ CDC Hải Dương thực hiện công tác xét nghiệm.

Thời điểm đó, năng lực xét nghiệm, phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh Hải Dương rất hạn chế, chỉ được 800 mẫu/ngày trong khi nhu cầu thực tế là rất lớn. "Lúc đó, bị cáo không quen biết Phan Quốc Việt từ trước, không thỏa thuận, không có động cơ vụ lợi. Bị cáo Thăng cũng không có sự chỉ đạo trực tiếp cho bất kỳ cá nhân nào liên hệ hay thỏa thuận làm việc với Việt"- luật sư Cường phân tích và mong Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét động cơ, mục đích của bị cáo để quyết định hình phạt phù hợp với thân chủ của mình.

Ngoài ra, một luật sư khác bào chữa cho ông Thăng cho biết trong hơn 30 năm công tác, dù ở chức vụ, vị trí nào bị cáo Thăng cũng đạt được những thành tích xuất sắc và được trao tặng 43 bằng khen, giấy khen, trong đó có 1 huân chương lao động hạng Ba, 2 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Ngoài ra Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Hải Dương có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo… Do đó luật sư kính mong HĐXX các tình tiết trên để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Phạm Xuân Thăng.

Cũng tại phần tranh tụng, bào chữa cho bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, luật sư Nguyễn Văn Chiến cho biết thân chủ của mình đã thừa nhận hành vi phạm tội và chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh khách quan, đánh giá toàn diện vụ án.

Liên quan đến cáo buộc bị cáo Chu Ngọc Anh ký quyết định phê duyệt đề tài nghiên cứu kit test COVID-19, giao cho Học viện Quân y chủ trì, Công ty Việt Á thực hiện là trái quy định của pháp luật, luật sư Chiển cho rằng việc bị cáo Chu Ngọc Anh ký các quyết định là trong bối cảnh cấp bách. Trong khi đó, lúc này chưa có vắc-xin, chưa có thuốc đặc trị, với tư cách là người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Chu Ngọc Anh đã trao đổi với cựu thứ trưởng Phạm Công Tạc để tổ chức cuộc gặp với các nhà khoa học, xin ý kiến, góp ý, khuyến cáo.

Theo đó, bị cáo Chu Ngọc Anh đã ký các quyết định, xác định 3 nhiệm vụ chính, trong đó có nhiệm vụ nghiên cứu kit xét nghiệm COVID-19. Tiếp đó, Bộ Khoa học và Công nghệ và Học viện Quân y ký hợp đồng triển khai... Còn đối với cáo buộc đưa kit xét nghiệm sản xuất thương mại trái quy định, luật sư Chiển phân tích đề tài này dừng ở mức nghiên cứu quy trình, sản xuất ra kit test phòng chống dịch và sau đó sản xuất ra 20.000 kit test. Việc Việt Á thực hiện sản xuất là nằm ngoài phạm vi đề tài.

Trong vụ án này, luật sư Chiển nhìn nhận thân chủ của mình có lỗi sai nhưng không nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Chu Ngọc Anh được hưởng mức án bằng thời gian giam giữ.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/luat-su-de-nghi-cho-cuu-bo-truong-chu-ngoc-anh-duoc-huong-an-bang-thoi-gian-tam-giam-196240109103149674.htm